Hiện nay, do chênh lệch giá thịt lợn và sản phẩm từ lợn giữa Việt Nam và các nước láng giềng tương đối cao, nên hiện tượng buôn bán và vận chuyển lợn qua biên giới giữa Việt Nam sang các nước mà đặc biệt là vận chuyển lợn từ Việt Nam sang Trung Quốc, có nguy cơ làm lây lan các dịch bệnh như: dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, cúm lợn, giữa các nước với Việt Nam.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An tiêu hủy thịt lợn, nầm lợn không rõ nguồn gốc.
Để ngăn chặn tình trạng trên và bình ổn giá thịt lợn trên thị trường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, thành lập các đoàn liên ngành cấp huyện, kiểm tra, kiểm soát tại các điểm thu gom, kinh doanh, buôn bán, giết mổ động vật để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn làm lây lan dịch bệnh.
Đối với các huyện có đường biên giới, giáp với nước Lào UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát hoạt động, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn nhập lậu, nghi nhập lậu không rõ nguồn gốc. Trường hợp bắt giữ lô hàng lợn, sản phẩm từ lợn vận chuyển trên địa bàn bất hợp pháp thì phải xử lý tiêu hủy theo qui định.
UBND cấp huyện, thị xã, thành phố, chỉ đạo UBND cấp xã, các phòng, ban, đơn vị liên quan tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, điểm trung chuyển lợn. Bên cạnh đó tổ chức tuyên truyền đến cộng đồng dân cư, chú trọng dân cư tại khu vực biên giới, chủ động giám sát, phát hiện, đấu tranh, không tham gia tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn xuất, nhập lậu, vận động người chăn nuôi, người tiêu dùng không mua bán lợn, sản phẩm lợn không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm dịch để hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra công tác vận chuyển, buôn bán trái phép lợn và sản phẩm lợn ra vào địa bàn tỉnh, phối hợp các đoàn địa phương phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn trái với qui định của pháp luật.
Các phương tiện thông tin đại chúng địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến để người dân chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc.
Công an tỉnh, Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các lực lượng chức năng: Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Môi trường, An ninh kinh tế, Quản lý thị trường phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thú y vùng III các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép không rõ nguồn gốc.
Bộ đội biên phòng tỉnh tăng cường kiểm soát chặt biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở, phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật.
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban ngành liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp để phòng, chống việc xuất, nhập lợn trái phép ra vào địa bàn tỉnh.
HẢI HƯNG
Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế không ‘ăn Tết’ để phòng chống dịch