/ Bút ký Luật sư
/ Nghề cao quý

Nghề cao quý

05/01/2021 18:07 |

(LSO) - Người thầy, không chỉ là dạy kiến thức văn hóa mà còn dạy cho học trò đạo lý, nhân cách làm người, chính vì vậy mà thời nào cũng vậy, người thầy luôn được tôn quý, đạo thầy trò luôn được khắc ghi…

Ngay từ những năm kháng chiến chống Pháp, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có quan hệ với FISE (Tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập đầu năm 1946 ở Paris - Liên hiệp quốc tế các Công đoàn giáo dục) để tranh thủ sự ủng hộ của toàn thể giáo viên trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.

Năm 1957, Hội nghị FISE với 57 nước tham dự, trong đó có Việt Nam, đã quyết định lấy ngày 20/11 làm Ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo. Ngày 20/11/1958, lần đầu tiên Ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo được tổ chức trên toàn miền Bắc. Từ năm 1982, Ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo cũng là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ngày này không chỉ có ý nghĩa quan trọng với học sinh, sinh viên và thầy cô giáo, mà còn trở thành ngày của cả cộng đồng - xã hội bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng đến với đội ngũ nhà giáo. Đây cũng là dịp để các thế hệ người Việt Nam tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người đã góp công sức, tâm huyết cho sự nghiệp “trồng người” cao cả.

Ảnh minh họa.

Trong cuộc sống, mỗi người một nghề và nghề nào cũng có khó khăn, vất vả riêng. Song với những người thực sự tâm huyết, gắn bó với công việc, họ sẽ đạt được niềm vui hạnh phúc mà nghề nghiệp mang lại. Dạy học là một nghề cao quý, mang lại những hy vọng, ước mơ và tri thức tới nhiều thế hệ. Gắn bó với công việc, những người giáo viên đã dạy cho học trò của mình biết yêu thương cha mẹ, ông bà, anh chị em, bạn bè; yêu quê hương đất nước, biết ứng xử, để ngay từ tuổi thơ các em đã tin vào sự tốt đẹp của cuộc sống ngày mai, tin vào những cố gắng của bản thân, vững bước vào đời.

Dân tộc Việt Nam có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đối với đội ngũ những người làm nghề dạy học, Người cho rằng: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục”.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong các nghề cao quý. Nghề dạy học là một nghề sáng tạo bậc nhất trong các nghề sáng tạo vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Người thầy, không chỉ là dạy kiến thức văn hóa mà còn dạy cho học trò đạo lý, nhân cách làm người, chính vì vậy mà thời nào cũng vậy, người thầy luôn được tôn quý, đạo thầy trò luôn được khắc ghi.

Tuy nhiên, đây cũng là một nghề lắm gian truân, vất vả, nhất là đối với những người dạy học trong môi trường đặc biệt, dạy học ở vùng sâu, vùng xa, dạy người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Những ngày này, cùng với những bó hoa tươi thắm trên khắp mọi ngả đường để học sinh gửi tặng thầy cô, chúng ta còn được nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng nói về những tấm gương giáo viên hết lòng vì nghề, vì học sinh thân yêu trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đặc biệt là những tấm gương của các thầy cô ở các vùng cao, nơi đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn về kinh tế.

Nơi đây, những lớp học nằm hẻo lánh, chon von trên núi cao, đường xá gập ghềnh, ngoài việc dạy chữ, thầy cô còn phải làm thay cả những công việc của người cha, người mẹ, vận động các em đến lớp, nuôi nấng các em ăn, ngủ, sinh hoạt hàng ngày. Nhiều giáo viên phải dạy học cách nhà hàng trăm cây số, đi lại khó khăn, nguy hiểm, nhất là vào các mùa mưa lũ.

Thật cảm phục khi truyền hình VTV1 (ngày 18/11/2019) nói về cô giáo Trần Thị Bá Tiền, Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Hà Đông huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai. Nhà cách trường 130km, ngày 10/9/2019, trên đường đến lớp khi cách trường 10km cô bị xe tải ngược chiều xô ngã, bánh xe đè lên, chà nát toàn bộ cánh tay trái. Sau vụ tai nạn thương tâm đó, cô Tiền phải cắt bỏ cánh tay trái; hơn hai tháng điều trị, đến nay cô đã đến được lớp, tiếng hát của cô cùng các em học sinh lại vang lên, hòa quyện làm lòng ta xúc động. Ở những huyện vùng cao phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, nhiều giáo viên phải trụ hẳn lại các điểm trường cheo leo trên vùng núi, xa khu dân cư, xa đường tiếp tế lương thực, khó khăn về thông tin...

Trên con đường đi gieo chữ của giáo viên vùng cao, đôi khi phải đối mặt với những khó khăn không thể lường trước. Còn nhớ trận lũ lịch sử năm 2018, xã An Lương (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) bị cô lập trong nước lũ; giáo viên phải gùi từng cân gạo, gói ghém từng túi muối, dầu ăn đi bộ lên trường cho mình và cho học sinh. Nhiều tấm gương cao cả của các nhà giáo, mà không có từ ngữ nào có thể diễn tả hết được. Những giáo viên cắm bản làng, đôi khi phải bất chất nguy hiểm cả tính mạng.

Đau xót biết bao khi ta nhớ lại, hai cô giáo Nguyễn Thị Yến (SN 1980) và Nguyễn Thị Hằng Nga (SN 1990) Trường Tiểu học Kông Lơng Khơng, K’bang, Gia Lai, vào cuối năm 2014, trên đường đến lớp với học sinh, cô Yến đi trước, vừa đi được đến giữa con đập tràn thì lũ ống ào về cuốn đi; bất chấp nguy hiểm cô Nga đã dũng cảm lao xuống cứu bạn; nhưng do nước xoáy quá mạnh đã cuốn các cô đi mãi mãi. Sự ra đi của họ khiến đồng nghiệp, học sinh và nhân dân cả nước tiếc thương. Hai cô là những giáo viên giỏi, yêu thương học trò và tận tâm, tận lực với nghề. Cô giáo Nga ra đi trước ngày cưới của mình không xa, cô Yến ra đi để lại hai đứa con thơ dại, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Ngày nay, nhân dân vùng Tây Nguyên coi hình ảnh thầy cô giáo băng rừng, lội suối, vượt bộ hàng chục cây số để đến trường là những hình ảnh đẹp đẽ, tiêu biểu cho sự hy sinh cao cả của các nhà giáo.

Đi học, đến trường và dạy học không hề đơn giản với giáo viên và học sinh ở những nơi xa xôi, hẻo lánh; việc được đến trường, được đi học, đi dạy là niềm mơ ước, khát khao của cả học sinh và thầy cô giáo. “Được học - Được dạy” là chủ đề của buổi gặp gỡ giữa tác giả Nguyễn Bích Lan - dịch giả của 35 cuốn sách, với 15 thầy cô giáo cắm bản ở Điện Biên cho ta thấy mỗi thầy cô là một câu chuyện về tình yêu thương với học sinh, với nghề nghiệp, họ đã gắn bó cả tuổi thanh xuân ở những nơi khó khăn nhất…

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm  (xã Yên Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) mắc căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, xong để giúp ích cho đời và thực hiện ước mơ của mình, Tâm quyết định mở lớp học tại nhà để kèm cặp các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 8. Lớp học của cô không phấn, không bảng, không bục giảng và không học phí, nhưng luôn đầy ắp tình yêu thương. Câu chuyện về cô giáo Tâm và chặng đường 13 năm dạy học miễn phí đã lấy đi nước mắt của nhiều khán giả xem truyền hình. Tác phẩm truyền hình “Cô giáo xương thủy tinh” vinh dự nhận giải Bạc, hạng mục phóng sự tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 38.

Không chỉ ở vùng cao xa xôi hẻo lánh, hiện nay, khắp các địa phương trên cả nước, những trường chuyên biệt với những cái tên thật thân thương, cảm động: Tình thương, Hy vọng, Nhân hậu, Hạnh phúc, Niềm tin… đã tiếp nhận và dạy các em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn học chữ, học nghề. Những công việc nơi đây, không phải ai cũng có thể làm được, bởi ngoài kiến thức sư phạm, còn cần có trái tim nhân hậu, tính kiên trì, nhẫn nại, yêu nghề và yêu người, biết chịu đựng để vượt qua mọi thử thách. Rất nhiều thầy cô còn tiết kiệm, dành dụm tiền của mình để giúp các em ăn học, tiền để tự mình đi học thêm về giáo dục đặc biệt… để có thể gắn bó với nghề. Còn biết bao những con người, những người “thầy không bục giảng” với trái tim nhân hậu, tự mở lớp dạy chữ, dạy nghề, cưu mang cho trẻ em gặp những hoàn cảnh khó khăn.

Trong thời gian vừa qua, ở một số địa phương có xảy ra các vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh nhà giáo, gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, không thể làm xói mòn truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam, bởi lẽ chúng ta còn có hàng triệu giáo viên đã và đang thầm lặng cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giáo dục trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Cùng với chính sách xã hội hóa giáo dục của Nhà nước, số trường lớp, chất lượng giáo viên ở nước ta không ngừng được nâng cao phù hợp với yêu cầu của xã hội. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt đến đội ngũ giáo viên. Hiện nay, bậc lương của nhà giáo là một trong những thang, bậc lương cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp. Ngày 05/11 vừa qua, Bộ Nội vụ chính thức có công văn gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc ưu tiên tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước.

Xã hội ngày một phát triển, nhu cầu học tập và giảng dạy của giáo viên cũng phải nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức. Giáo viên ngày nay không chỉ chịu áp lực về giảng dạy kiến thức mà còn phải chịu đựng áp lực rất lớn từ phía xã hội, của ngành, của phụ huynh và thậm chí là của học sinh. Nhiều phụ huynh do mải mê với công việc mà giao phó toàn bộ việc dạy dỗ con em cho giáo viên; trong khi đó, thầy cô ít khi nhận được sự phối hợp, phản hồi thấu cảm, chia sẻ từ phía phụ huynh trong việc quản lý và giáo dục con em.

Ngành giáo dục Việt Nam đang tiếp tục có những cải cách mạnh mẽ để giảm tải những công việc hành chính của giáo viên để các thầy, các cô tập trung vào công việc chính là hướng dẫn, tư vấn, cố vấn giảng dạy cho học sinh và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giáo viên thực hiện nhiệm vụ. Kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, lại là dịp cộng đồng xã hội, các thế hệ học sinh, tôn vinh thể hiện sự trân trọng đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, lòng tri ân sâu sắc đến các thế hệ thầy cô giáo, những người không ngại khó khăn, gian khổ suốt đời hy sinh thầm lặng vì sự nghiệp giáo dục, vì học sinh thân yêu. Xin trân trọng được gửi tới các thế hệ những người đã, đang công tác trong ngành giáo dục sự biết ơn, lòng tri ân sâu sắc và những lời chúc tốt đẹp nhất. Kính chúc các thầy, các cô nhiều sức khỏe, hạnh phúc, thành công.

Luật sư TRẦN VĂN CHƯƠNG

/tu-buc-anh-ca-lop-gio-giay-khen-minh-em-le-loi-nha-truong-co-lam-cho-hoc-sinh-gioi.html