Luật sư Trần Xuân Tiền.
Cơ duyên đưa tôi đến với nghề báo có thể nói là khá đặc biệt, bởi trước kia, khi nhìn mọi người lên sóng truyền hình trả lời phỏng vấn, báo chí, tôi cảm thấy rất thú vị và muốn được thử sức. Và cơ duyên ấy đã đến với tôi trong một lần được mời tham gia Hội thảo “Luật thi hành án dân sự - Từ góc nhìn doanh nghiệp” tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Tôi đã chuẩn bị và trình bày bài tham luận (do Ban tổ chức đề nghị) rất công phu bởi tôi có kinh nghiệm thực tiễn (15 năm làm Thủ trưởng cơ quan thi hành án huyện) nên đã tạo được tiếng vang và được nhiều khách mời trong hội thảo đánh giá cao. Sau khi tham gia buổi Hội thảo trên, nhiều phóng viên báo, đài truyền hình đã tìm đến tôi để phỏng vấn thêm và đưa tin.
Dĩ nhiên, để có bài viết được nhiều người đón nhận không hề đơn giản, mà đó là cả quá trình tích lũy kiến thức kinh nghiệm và nỗ lực cá nhân. Chính suy nghĩ “Không ai thương mình bằng chính mình, không ai cứu mình thì mình tự cứu lấy mình”, tôi đã bắt đầu bén duyên với nghề viết để kiếm tiền nhuận bút khi rời công việc trong Nhà nước mà mình đã gắn bó gần nửa đời người, bắt đầu khởi nghiệp với nghề Luật sư. Một mặt là để giới thiệu bản thân đến khách hàng, mặt khác là để thỏa sức đam mê với nghề tôi đang theo đuổi. Với quyết tâm của mình tôi đã biến từ việc ngại viết đến yêu thích rồi đam mê viết. Và trời không phụ lòng người, ngòi bút và tâm huyết của tôi được lan tỏa và được nhiều người hưởng ứng, quan tâm rồi yêu thích.
Cho đến thời điểm hiện tại, bên cạnh việc trả lời báo chí, tôi vẫn dành thời gian viết bài hàng ngày. Mỗi ngày một chủ đề, có ý tưởng là tôi lại viết, viết nhiều thành thói quen. Nhiều bài viết được các nhà báo gạo cội đánh giá mang tính xã hội cao và rất thiết thực. Song song với đó, tôi luôn lan tỏa đam mê viết, hướng dẫn cho các thế hệ sinh viên học hỏi thêm nhiều kiến thức.
Có thể nói rằng, mối quan hệ giữa Luật sư và nhà báo có vai trò tương hỗ lẫn nhau tạo nên mối lương duyên gắn kết. Điều đó được ghi nhận tại Quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ ngày 20 tháng 7 năm 2011 của Hội đồng Luật sư toàn quốc có quy định mối quan hệ giữa Luật sư và các cơ quan thông tin đại chúng như sau: Luật sư cần phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền pháp luật, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và các tiêu cực xã hội.
Với vai trò góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vị thế của Luật sư đang ngày càng được đề cao trong đời sống xã hội. Trong khi đó, báo chí là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu và có sức ảnh hưởng lớn, khả năng tác động lớn đến xã hội. Mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau thể hiện qua việc Luật sư đưa ra các quan điểm mang tính tuyên truyền pháp luật rõ ràng, báo chí có thể phản ánh đúng, thông tin nhanh những vấn đề liên quan tới pháp luật đến công chúng, qua đó thực hiện tốt chức năng tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Chính vì vậy, khi có nhiều vụ việc nóng hổi được đông đảo dư luận quan tâm, hàng loạt các trang báo đã tìm đến các Luật sư để tìm hiểu, đưa thêm các quan điểm của Luật sư vào trong bài viết nhằm nhanh chóng đưa thông tin hữu ích nhất đến với bạn đọc. Từ đó, giúp người dân có thể tiếp cận, nâng cao hiểu biết pháp luật và định hướng dư luận. Đặc biệt, những chia sẻ mang tính thuyết phục cao, nhận được sự đồng tình của các độc giả cũng là cách để tăng lượng truy cập và tương tác cho các trang báo.
Không chỉ trên báo giấy, báo điện tử mà các phóng viên của nhiều cơ quan báo chí đã nhiều lần đến phỏng vấn đề xin quan điểm tôi về những vấn đề nóng đang xảy ra hiện nay. Vì vậy, tôi còn được phóng viên yêu quý trao cho danh hiệu “Luật sư quốc dân”. Cũng nhờ làm việc với báo chí mà tôi đã học hỏi được nhiều điều quý của nhà báo, phóng viên về tính nhiệt tình, nhạy bén, sắc bén và tư duy tốt.
Luật sư và nhà báo là những nghề hoạt động độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về công trình của mình. Với vai trò là chiến sĩ trên mặt trận thông tin, báo chí giúp Luật sư truyền tải quan điểm của mình đến với các độc giả. Báo chí được xem là phương tiện, công cụ, chất xúc tác để Luật sư thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và trách nhiệm của mình trước khách hàng, người dân, Nhà nước và xã hội.
Trên thực tiễn hành nghề, nhiều Luật sư rơi vào các tình huống khó xử nhưng báo chí góp phần thay đổi nhận thức của xã hội, sự cảm thông, chia sẻ của xã hội đối với Luật sư. Nhất là khi nhận bào chữa cho người phạm tội thực hiện những hành vi đặc biệt nghiêm trọng, được rất nhiều sự quan tâm, phản ánh trái chiều từ dư luận. Tuy nhiên, thông qua báo chí, người dân sẽ hiểu việc Luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo là dựa trên quy định của pháp luật, không thể xuất phát từ ý chí chủ quan, tư lợi cá nhân hay sức ép dư luận mà làm trái với quy định pháp luật. Không chỉ vậy, báo chí còn là một kênh để Luật sư quảng bá hình ảnh của mình, hình ảnh của Luật sư đến với khách hàng tiềm năng. Thông qua báo chí, những ý kiến, quan điểm của Luật sư được đến gần với công chúng. Và đây cũng là cách để người dân khi có vướng mắc về pháp lý có thể dễ dàng tìm kiếm được những người Luật sư uy tín.
Qua 12 năm hành nghề Luật sư và nhiều năm đồng hành cùng các phóng viên, tôi không chỉ tham gia báo chí với tư cách là Luật sư, cố vấn pháp luật mà còn là người làm báo thực thụ, góp ý kịch bản… Với tư cách Luật sư - bản thân tôi đang mang trên mình trách nhiệm đối với nghề, với xã hội nên cần phải đưa thông tin chính xác, kịp thời để định hướng dư luận, góp phần bảo vệ pháp chế Nhà nước. Tôi muốn trở thành một kênh tư vấn, hỗ trợ báo chí, giúp họ nắm vững hơn các quy định pháp luật, từ đó có thể tạo ra các bài báo hữu ích để độc giả hiểu rõ hơn về pháp luật.
Thực tế, không ít khách hàng biết và tìm đến tôi thông qua báo chí, truyền hình. Mới đây, tôi có tham gia bào chữa cho một bị cáo phạm tội “ Cướp tài sản”, khách hàng biết đến tôi qua việc theo dõi truyền hình ANTV và những chia sẻ pháp lý rất gần gũi thiết thực, có chiều sâu trên các trang báo nên đã liên hệ nhờ Luật sư giúp đỡ. Điều này chứng tỏ những trao đổi của Luật sư đã chạm tới nhiều đối tượng. Bên cạnh đó, với sự phát triển của công nghệ, việc trả lời câu hỏi của báo chí, hay phỏng vấn từ báo đài trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Tôi không phải mất thời gian di chuyển đến cơ quan báo chí mà vẫn có thể liên lạc, trao đổi với bên phóng viên, biên tập viên về nội dung vụ việc được hỏi qua điện thoại, máy tính… Vì thế, tôi có thể tận dụng thời gian để trả lời báo chí, phỏng vấn.
Có thể thấy việc thực hiện tuyên truyền pháp luật thông qua báo chí và các phương tiện truyền thông là thực sự cần thiết. Thực tế, Luật sư làm nhà báo hay nhà báo làm Luật sư là một điều không hiếm. Không ít nhà báo sau quá trình tiếp xúc Luật sư đã đam mê và yêu thích nghề Luật, thậm chí đã đầu tư thời gian, công sức để theo đuổi nghề Luật sư. Và nhiều Luật sư gắn bó với báo chí đến mức có thể tự đào tạo, nâng cao kiến thức, nhiều khi trở thành “phóng viên chiến trường” để phổ biến pháp luật đến với người dân.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những bất cập xung quanh mối lương duyên này. Song song với những bài báo chất lượng, mang tính xã hội cao vẫn còn các bài báo với nội dung cảm tính, không hề có sự xác minh nhằm mục đích thu hút người xem, chạy theo số lượng khiến chất lượng giảm sút. Nhiều bài viết rất dài nhưng không có nội dung cụ thể, không có tính mới và không mang tính chất giáo dục. Và cũng không ít nhà báo sử dụng báo chí để thực hiện các hành vi trái pháp luật, viết nhiều bài báo trái đường lối của Đảng. Hay các Luật sư lợi dụng báo chí để đánh bóng tên tuổi theo kiểu “thùng rỗng kêu to”.
Mặt khác, nhiều Luật sư đang hành nghề không chịu nhìn nhận vai trò của báo chí và hoạt động Marketing. Nhiều Luật sư vẫn giữ quan điểm chỉ cần chuyên môn là đủ. Hạn chế này đã khiến họ gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng mới, kéo theo nhu cầu cần trợ giúp, tư vấn cũng không cao. Do đó, để tăng cường mở rộng mối quan hệ giữa Luật sư và báo chí, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật, phát huy mối quan hệ hai chiều tác động lẫn nhau, theo tôi cần thay đổi phương thức phổ biến pháp luật linh hoạt, ví dụ sử dụng công nghệ AI trong sản xuất, điều hướng nội dung, đáp ứng nhu cầu, sở thích của công chúng để giúp người đọc tìm kiếm và nhanh chóng chọn lựa mục tin tức phù hợp với mình.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin: Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin 4.0, rất nhiều nền tảng mạng xã hội đã ra đời như Zalo, Facebook, Tiktok… Do vậy, Luật sư và nhà báo có đa dạng sự lựa chọn hơn trong việc liên lạc và trao đổi thông tin. Tuy nhiên, tôi cho rằng sự phát triển của internet vừa là cái lợi, vừa là cái hại. Việc tiếp cận với quá nhiều nguồn tin hàng ngày đôi lúc sẽ khiến chúng ta cảm thấy "ngợp", thậm chí mỗi trang mạng lại đưa ra nhiều thông tin khác nhau. Điều đó đặt ra câu hỏi: “Đâu mới là nguồn đáng tin cậy?” Do đó, Luật sư và báo chí phải phối hợp với nhau để đưa ra những tin tức đầy đủ, chính xác và kịp thời đến với quý độc giả. Cũng phải nói thêm, để làm được điều này, các phóng viên, nhà báo phải tham vấn những Luật sư uy tín, có trách nhiệm cao để có được nguồn thông tin xác đáng, tránh việc mất thời gian, công sức mà không mang lại giá trị gì.
Nhân ngày kỉ niệm Ngày Báo chí cách mạng 21/6, tôi xin gửi lời tới các nhà báo, các phóng viên, biên tập viên, những người làm trong ngành truyền thông, báo chí lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp. Chúc các đồng chí sẽ luôn luôn giữ vững ngòi bút, vận dụng và phát huy được lời căn dặn của chủ tịch Hồ Chí Minh “Người làm báo cách mạng phải có tâm sáng, lòng trong, bút sắc” để trở thành những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Chúc cho mối quan hệ giữa Luật sư và báo chí ngày càng phát triển hơn nữa.
Luật sư TRẦN XUÂN TIỀN
Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội