(LSO) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 96/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Nghị định gồm 04 Chương 28 Điều.
Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Các hành vi vi phạm hành chính xảy ra ở khu vực biên giới không quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác có liên quan để xử phạt.
Đối tượng áp dụng quy định tại Nghị định, gồm: tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lãnh thổ Việt Nam; người có thẩm quyền lập biên bản và người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.
Các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định rõ tại Điều 3 của Nghị định, trong đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: Trục xuất; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác, thăm dò tài nguyên, khoáng sản, hải sản, môi trường và giấy phép xây dựng, vận tải, kinh doanh từ 06 tháng đến 12 tháng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và giấy phép hoạt động dịch vụ, thương mại tại cửa khẩu biên giới đất liền từ 03 tháng đến 06 tháng.
Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là 50 triệu đồng. Trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Cụ thể, phạt tiền từ 40.000.000 đến 50.000.000 đồng đối với một trong những hành vi như: Làm hư hại mốc quốc giới, cọc dấu, dấu hiệu đường biên giới, vật đánh dấu đường biên giới, cột cờ, điểm cơ sở, bia chủ quyền trên các đảo; Làm thay đổi dòng chảy sông, suối biên giới hoặc làm ảnh hưởng đến đường biên giới quốc gia; Xây dựng công trình kiên cố trong phạm vi 30 mét tính từ đường biên giới trên đất liền tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc hoặc 100 mét tính từ đường biên giới trên đất liền tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia; Xây dựng trái phép công trình trên sông, suối biên giới…
Đối với thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, tại Điều 17 của Nghị định này đã quy định rõ thẩm quyền xử phạt của lực lượng Công an nhân dân. Theo đó, lực lượng Công an nhân dân có quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này thuộc lĩnh vực, phạm vi địa bàn quản lý của mình bằng các hình thức như: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 25.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt; Áp dụng hình thức xử phạt trục xuất;…
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2020; thay thế Nghị định số 169/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Ngoài ra, đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia xảy ra trước khi Nghị định này có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho tổ chức, cá nhân vi phạm…
LSO