(LSVN) - Nghỉ hưu trước tuổi sẽ được hưởng chính sách tinh giản biên chế như thế nào theo Nghị định 143/2020/NĐ-CP? Bạn đọc H.K. hỏi.
Nghị Định 143/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế
Đối tượng áp dụng gồm: Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp xã; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp và theo các quy định khác của pháp luật, Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng, kiểm soát viên trong các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước hoặc do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội làm chủ sở hữu (không bao gồm Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng làm việc theo chế độ hợp đồng lao động), Những người là cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử làm người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, Người làm việc trong biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao tại các hội…..
“Tinh giản biên chế” trong Nghị định này được hiểu là việc đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người thuộc diện tinh giản biên chế
Tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định 143/2020/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 10/12/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2014/NĐ-CP và Nghị định 113/2018/NĐ-CP có quy định về Chính sách về hưu trước tuổi như sau:
Đối với đối tượng tinh giản biên chế quy định có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động (BLLĐ) và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trở lên.
Trong đó, có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) và Bộ Y tế ban hành; hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên, sẽ hưởng chế độ như sau:
- Hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về BHXH.
- Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;
- Được trợ cấp ba tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định về tuổi tối thiểu tại khoản 3 Điều 169 BLLĐ;
- Được trợ cấp năm tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng đủ BHXH. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH được trợ cấp ½ tháng tiền lương.
Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và chế độ quy định tại các điểm a và c khoản 1 Điều này và được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.
Như vậy, căn cứ quy định trên, đối tượng tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu thì vẫn được đảm bảo chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về BHXH, không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi; được trợ cấp ba tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.
Nghị định 143/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày ban hành (10/12/2020).
Luật sư PHẠM THỊ BÍCH HẢO Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An |