/ Trợ giúp pháp lý
/ Nghĩa vụ giải thích hợp đồng của các bên được quy định như thế nào?

Nghĩa vụ giải thích hợp đồng của các bên được quy định như thế nào?

08/11/2021 08:50 |

(LSVN) - Doanh nghiệp của tôi có ký kết hợp đồng mua bán và vận chuyển hàng hoá với doanh nghiệp trong nước. Bên họ là bên soạn hợp đồng và là bên cung cấp dịch vụ (bên bán). Tuy nhiên, một số điều khoản trong hợp đồng này không rõ ràng và có hướng bất lợi cho bên tôi. Tôi muốn bên họ phải giải thích những điều khoản đó cho tôi nhưng họ từ chối. Vậy, pháp luật quy định thế nào về nghĩa vụ giải thích hợp đồng của các bên? Bạn đọc T.K.L hỏi.

Ảnh minh họa.

Trả lời về vấn đề trên, Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Công ty Luật TNHH Hoàng Sa cho biết, căn cứ theo Điều 404 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định về "Giải thích hợp đồng" như sau:

1. Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì việc giải thích điều khoản đó không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí của các bên được thể hiện trong toàn bộ quá trình trước, tại thời điểm xác lập, thực hiện hợp đồng.

2. Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với mục đích, tính chất của hợp đồng.

3. Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng.

4. Các điều khoản trong hợp đồng phải được giải thích trong mối liên hệ với nhau, sao cho ý nghĩa của các điều khoản đó phù hợp với toàn bộ nội dung hợp đồng.

5. Trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn từ sử dụng trong hợp đồng thì ý chí chung của các bên được dùng để giải thích hợp đồng.

6. Trường hợp bên soạn thảo đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia.

Giải thích hợp đồng là việc các bên cùng nhau thỏa thuận về việc giải thích những nội dung khó hiểu bên trong hợp đồng, dựa trên các cơ sở về ngôn từ của hợp đồng, về ý chí của các bên tham gia giao kết hợp đồng. 

Do đó, khi xảy ra tranh chấp hợp đồng, Tòa án có thể áp dụng điều khoản: “Trường hợp bên soạn thảo đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia” để đánh giá bên doanh nghiệp bạn có phải là đơn bên yếu thế hay không, từ đó có cơ sở để yêu cầu bên bán phải chịu trách nhiệm về những điều khoản gây bất lợi cho bên bạn trong hợp đồng.

TRẦN VŨ

Phân chia tài sản thế nào khi một trong hai vợ chồng mất?

Lê Minh Hoàng