Ảnh minh họa.
Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) vừa kiến nghị Bộ GTVT cho phép lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án "Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam giai đoạn đến năm 2026".
Cụ thể, tại tờ trình gửi Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, thời gian qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã xây dựng và duy trì các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ công tác quản lý nhà nước và điều hành công việc. Các hệ thống này đã hỗ trợ tích cực trong công việc tại Cục cũng như các đơn vị trong ngành giao thông vận tải.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng thừa nhận việc đầu tư cho ứng dụng CNTT chưa được quan tâm chú trọng đúng mức nên không đáp ứng được các yêu cầu quản lý hiện nay.
Trong đó, hạ tầng CNTT được đầu tư xây dựng từ năm 2003 chưa được bổ sung, nâng cấp đủ để đáp ứng yêu cầu của các hệ thống phần mềm đã và đang được đưa vào sử dụng, chưa đáp ứng các yêu cầu về kiến trúc Chính phủ điện tử và không đáp ứng đầy đủ các phương án đảm bảo an toàn thông tin.
Các phần mềm nghiệp vụ được xây dựng đơn lẻ qua nhiều thời kỳ, nhiều phần mềm sử dụng các công nghệ lập trình đã lạc hậu không còn đáp ứng nhu cầu sử dụng. Một số lĩnh vực chưa có phần mềm quản lý chuyên ngành, chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung và phân hệ báo cáo tổng hợp.
Phần giao tiếp giữa Cục Đăng kiểm Việt Nam với người dân và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa cung cấp đầy đủ các dịch vụ công trực tuyến cho các thủ tục hành chính; chưa có trục kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các phần mềm của Cục Đăng kiểm Việt Nam với Bộ GTVT và các cơ quan nhà nước khác.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho biết, việc đầu tư dự án "Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam giai đoạn đến năm 2026" là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất, tăng cường năng lực trong hoạt động đăng kiểm để khắc phục các vấn đề nêu trên cũng như thực hiện định hướng chuyển đổi số theo các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và chương trình chuyển đổi số Bộ GTVT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, điều này không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý, tối ưu các quy trình làm việc, mà còn giúp cung cấp các dịch vụ chất lượng cao cho người dân và doanh nghiệp. Chuyển đổi số cũng đồng nghĩa với việc tăng cường bảo mật thông tin và tăng tính minh bạch trong quản lý. Dự án này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích hợp và chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị, giúp nâng cao khả năng phản hồi và linh hoạt trong việc quản lý của Cục.
Mục tiêu đầu tư dự án nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đối số một cách sâu rộng trong lĩnh vực đăng kiểm, kiến tạo thể chế, hình thành cơ sở dữ liệu tập trung của toàn ngành, chuyển đổi số toàn diện các hoạt động đăng kiểm phương tiện, thiết bị giao thông để thúc đẩy cải cách hành chính; hỗ trợ cho các quyết định chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm.
Trong đó, tập trung triển khai các nội dung như: Đối với việc quản lý nội bộ sẽ hoàn thiện các phần mềm nội bộ nhằm đảm bảo 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); tối thiểu 50% cuộc họp được thực hiện theo hình thức trực tuyến, tài liệu cuộc họp gửi thông qua môi trường trực tuyến nhằm giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy.
Hình thành hệ thống thông tin báo cáo tập trung của Cục Đăng kiểm Việt Nam, kết nối các nguồn số liệu từ các hệ thống nghiệp vụ và số liệu của các cơ quan quản lý khác nhằm cung cấp số liệu, báo cáo đa chiều về hoạt động đăng kiểm phương tiện phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành.
Đối với công tác phục vụ người dân, doanh nghiệp, hướng đến 100% thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 100% hồ sơ TTHC giải quyết thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Đăng kiểm Việt Nam được quản lý theo dõi tiến độ xử lý trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC Bộ GTVT; tối thiểu 50% hồ sơ TTHC được người dân và doanh nghiệp thực hiện trực tuyến từ xa.
Cùng đó, hình thành các phần mềm, công cụ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tra cứu dữ liệu, thông tin đăng kiểm phương tiện; thực hiện các dịch vụ trực tuyến (đặt lịch đăng kiểm, thanh toán giá/phí trực tuyến…) được cung cấp bởi các đơn vị đăng kiểm.
Về hoạt động quản lý chuyên ngành, sẽ hình thành các cơ sở dữ liệu tập trung để quản lý thống nhất hoạt động đăng kiểm; kết nối liên thông dữ liệu với cơ sở dữ liệu dùng chung Bộ GTVT để tạo lập báo cáo; chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác đăng ký phương tiện, quản lý hoạt động vận tải của các cục quản lý chuyên ngành; chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành để phục vụ công tác quản lý nhà nước như: các Sở GTVT, cơ quan công an, cơ quan Thuế, Hải quan…
100% dữ liệu phương tiện sẽ được quản lý thống nhất, xuyên suốt từ khâu thẩm định thiết kế, thử nghiệm, sản xuất/lắp ráp/đóng mới hoặc nhập khẩu đến khâu kiểm tra trong khai thác, sử dụng nhằm đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện.
Đồng thời, xây dựng, hoàn chỉnh các hệ thống CNTT quản lý hoạt động đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, tàu biển và công trình biển, phương tiện thủy nội địa, phương tiện đường sắt hỗ trợ công tác kiểm tra của các đăng kiểm viên, cung cấp dịch vụ của các đơn vị đăng kiểm, công tác thanh tra, giám sát của Cục Đăng kiểm và các Sở GTVT nhằm nâng cao chất lượng đăng kiểm, đảm bảo công khai, minh bạch, chống gian lận, tiêu cực.
Đáng chú ý, sẽ nghiên cứu cung cấp hồ sơ, giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện dưới dạng điện tử thay thế hồ sơ, giấy chứng nhận bản giấy. Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an nghiên cứu tích hợp dữ liệu đăng kiểm phương tiện và giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử vào ứng dụng định danh điện tử (VNeID) để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.
Về hạ tầng CNTT và đảm bảo an toàn thông tin, hướng tới đảm bảo hạ tầng CNTT để vận hành các hệ thống CNTT thông suốt, liên tục; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trên môi trường số.
Liên quan đến đề nghị của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ GTVT vừa có công văn ủy quyền Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ và dự toán chuẩn bị đầu tư dự án (bao gồm lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án).
Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra, rà soát nhiệm vụ, khối lượng, đơn giá bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí, đúng quy định của pháp luật. Nội dung Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án phải đảm bảo các quy định tại Luật Đầu tư công; làm rõ được sự cần thiết đầu tư; quy mô đầu tư bảo đảm phù hợp với nhu cầu; đánh giá hiệu quả đầu tư; xây dựng phương án đầu tư… làm cơ sở xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời, Bộ lưu ý Cục Đăng kiểm Việt Nam cần tận dụng tối đa các kết quả nghiên cứu đã có trong quá trình xây dựng Đề án Ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
TRẦN NGUYÊN
Viện KSND Tối cao giải đáp một số vấn đề về hợp đồng đặt cọc