Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung giải quyết dứt điểm quan tâm của các đối tác về giấy phép lao động, thị thực.
Trong đó, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an khẩn trương rà soát, nghiên cứu, đề xuất bổ sung các trường hợp được áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương trên cơ sở yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong tình hình mới, bảo đảm lợi ích quốc gia – dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; đồng thời đẩy nhanh đàm phán miễn thị thực song phương đã thống nhất với các đối tác; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2025.

Ảnh minh họa.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì rà soát, tổng hợp các chính sách ưu đãi về thị thực của Việt Nam đối với từng đối tượng (khách du lịch, chuyên gia, tỷ phú, nhà khoa học, các nhân vật nổi tiếng, các nghệ sỹ, vận động viên thể thao tài năng…); bao gồm các cơ chế xem xét cấp thẻ tạm trú, thị thực điện tử, mua thẻ cư trú..., đề xuất giải pháp cải tiến và thực hiện hiệu quả các chính sách này theo hướng tạo thuận lợi tối đa, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính, trong đó có việc nâng cấp hệ thống e-visa theo hướng ngày càng thuận lợi, dễ tiếp cận, đơn giản, thông thoáng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2025.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi Nghị định 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 và Nghị định 70/2023/NĐ-CP ngày 18/9/2023 và các quy định khác (nếu có) liên quan đến cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, đề xuất sửa đổi theo hướng tạo điều kiện miễn giấy phép lao động hoặc rút gọn thủ tục cấp giấy phép lao động cho các đối tượng thuộc lĩnh vực cần ưu tiên, tranh thủ, bảo đảm thủ tục hành chính đơn giản, thuận lợi, thông thoáng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2025.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác thông tin tuyền truyền về những nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác với các đối tác, nhất là các nước lớn, các Đối tác chiến lược toàn diện, Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện; tăng cường tổ chức thực hiện các chương trình truyền thông theo chuyên đề về những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, cách mạng về cải cách bộ máy, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…; các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước (các thành tựu về ngoại giao, kinh tế; các chương trình an sinh xã hội như xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhà ở xã hội cho người lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…) để tăng cường hiểu biết, củng cố niềm tin của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.