/ Pháp luật - Đời sống
/ Nghiên cứu, đề xuất chế độ chính sách đặc thù cho nhân lực y tế biển, đảo

Nghiên cứu, đề xuất chế độ chính sách đặc thù cho nhân lực y tế biển, đảo

09/06/2023 15:43 |

(LSVN) - Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 658/QĐ-TTg ngày 08/6/2023 phê duyệt Chương trình Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2030.

Ảnh minh họa.

Mục tiêu chung của Chương trình là củng cố, tăng cường năng lực, chất lượng và khả năng cung ứng dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ quân và dân khu vực biển, đảo; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể, đến năm 2025, 40% bệnh viện, trung tâm y tế huyện đảo có khả năng triển khai kỹ thuật ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng 2; 70% trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, cơ sở y tế dự phòng quân đội tại các tỉnh có biển được đầu tư, nâng cấp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ trên khu vực biển, đảo.

Bên cạnh đó, 70% tàu cá khai thác hải sản xa bờ được trang bị tủ thuốc và dụng cụ y tế theo quy định; 80% tàu vận tải biển - tàu viễn dương thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế về bảo đảm y tế biển; 80% người dân vùng biển, đảo được tuyên truyền, phổ biến kiến thức, huấn luyện kỹ năng dự phòng bảo vệ sức khỏe, kỹ năng tự sơ cấp cứu và vận chuyển người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển, đảo.

Đến năm 2030, 70% bệnh viện, trung tâm y tế huyện đảo có khả năng triển khai kỹ thuật ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng 2; 100% trung tâm kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, cơ sở y tế dự phòng quân đội tại các tỉnh có biển được đầu tư, nâng cấp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ trên khu vực biển, đảo.

70% tàu mặt nước thuộc Hải quân, Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng được trang bị đồng bộ trang thiết bị y tế cho cấp cứu đầu tiên và thực hiện cứu hộ, cứu nạn trên biển; 100% tàu cá khai thác hải sản xa bờ được trang bị tủ thuốc và dụng cụ y tế theo quy định; 100% tàu vận tải biển - tàu viễn dương thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế về bảo đảm y tế biển; 100% người dân vùng biển, đảo được tuyên truyền, phổ biến kiến thức, huấn luyện kỹ năng dự phòng bảo vệ sức khỏe, kỹ năng tự sơ cấp cứu và vận chuyển người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển, đảo.

Để thực hiện mục tiêu trên, Chương trình đã đề ra 7 giải pháp gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác y tế biển, đảo; củng cố và tăng cường năng lực y tế dự phòng khu vực biển, đảo; củng cố, tăng cường năng lực khám bệnh, chữa bệnh; nâng cao năng lực cấp cứu, vận chuyển người bệnh; phát triển nguồn nhân lực y tế cho khu vực biển, đảo; xây dựng các định mức, tiêu chuẩn đặc thù cho y tế biển, đảo; tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân khu vực biển, đảo.

Trong đó, về phát triển nguồn nhân lực y tế cho khu vực biển, đảo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, đề xuất về tổ chức, biên chế, tiêu chuẩn, chế độ chính sách đặc thù cho nhân lực y tế biển, đảo.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về y học biển; đào tạo, đào tạo lại về y học biển cho cán bộ y tế và các lực lượng làm việc trên khu vực biển, đảo.

Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về y học biển. Nâng cao chất lượng công tác huấn luyện cấp cứu biển; đào tạo kiến thức y học đặc thù biển, đảo cho lực lượng quân y thay phiên làm nhiệm vụ tại Trường Sa, nhà giàn DK1 và các tàu làm nhiệm vụ trên biển.

DUY ANH

Bùi Thị Thanh Loan