Ảnh minh họa.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận đánh giá thực hiện Quy chế mối quan hệ giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Thông báo nêu rõ, thời gian qua,Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát huy vai trò trong việc tham gia xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến việc làm, tiền lương.
Chủ động nắm tình hình thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động, kịp thời phản ánh tới các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ những vấn đề phát sinh cần giải quyết.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao và cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ, đồng hành có hiệu quả của Công đoàn Việt Nam, đoàn viên và người lao động cả nước trong thời gian qua.
Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quan tâm hơn nữa đến việc lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân, viên chức, người lao động: thông qua khảo sát, đối thoại, tiếp xúc cử tri…
Cũng theo thông báo, một trong những kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động có liên quan đến vấn đề giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần.
Về nội dung này, Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, rà soát, đánh giá, đề xuất chính sách giảm giờ làm đối với người lao động, bảo đảm phù hợp với thực tiễn về quá trình nâng cao năng suất lao động của Việt Nam hiện nay và trình độ phát triển của đất nước.
Trước đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo gửi Chính phủ về việc xử lý các kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong đó có nội dung liên quan đến giảm giờ làm việc.
Cụ thể, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dẫn Nghị quyết số 101/2019/QH14 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, có nêu rõ, “giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần, và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp".
Tổ chức công đoàn kiến nghị Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu sớm thực hiện nội dung Nghị quyết 101/2019/QH14. Từ đó, hướng tới đảm bảo sự công bằng giữa thời giờ làm việc của người lao động khu vực cơ quan, hành chính nhà nước, hiện là 40 giờ/tuần, và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần). Đồng thời, tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, chăm sóc con cái, đảm bảo hạnh phúc gia đình.
Phản hồi về kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết việc giảm giờ làm việc bình thường xuống dưới 48 giờ/tuần là một chính sách có tác động lớn đến kinh tế - xã hội.
Do đó, Bộ sẽ nghiên cứu đầy đủ các cơ sở khoa học và thực tiễn, để bảo đảm tính khả thi khi đề xuất chính sách này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.
HOÀNG NGUYỄN
Người dân cần chủ động tra cứu nợ thuế để tránh bị tạm hoãn xuất nhập cảnh