Đây là một trong những mục tiêu tại Quyết định 383/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về người cao tuổi đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045.
Cụ thể, trong giai đoạn 2025 – 2030, ít nhất 50% người cao tuổi có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm; ít nhất 100.000 người cao tuổi được hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở trợ giúp xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm. Ít nhất 100.000 hộ gia đình có người cao tuổi có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi. 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; ít nhất 90% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 100% người cao tuổi khi ốm đau, dịch bệnh được khám chữa bệnh và được hưởng sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng.

Ảnh minh hoạ.
Hàng năm, ít nhất 80% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới nhiều hình thức khác nhau; 70% người cao tuổi khuyết tật được sàng lọc, phát hiện các dạng khuyết tật và được can thiệp, phục hồi chức năng. Ít nhất 10.000 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có người phụng dưỡng được chăm sóc, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng và cơ sở trợ giúp xã hội. 100% người cao tuổi không phải sống trong nhà tạm, dột nát…
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Chiến lược đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ, trợ giúp cho người cao tuổi. Trong đó, về trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, nhà ở cho người cao tuổi, Chính phủ sẽ nghiên cứu, hoàn thiện chính sách khuyến khích, thu hút lao động người cao tuổi tham gia thị trường lao động, thông qua các chính sách về tín dụng, thuế thu nhập, dạy nghề, đào tạo chuyển đổi nghề và các chính sách trợ giúp phù hợp khác.
Thực hiện giới thiệu việc làm, hướng nghiệp cho người cao tuổi, ưu tiên hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn. Hỗ trợ thí điểm mô hình khởi nghiệp phù hợp với người cao tuổi; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh của người cao tuổi phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ phù hợp quy mô, trình độ quản lý. Cùng với đó, hỗ trợ thí điểm mô hình sinh kế đối với hộ gia đình có người cao tuổi; ưu tiên được vay vốn với lãi suất ưu đãi để tạo việc làm, tăng thu nhập.
Đặc biệt, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách trợ cấp hưu trí xã hội, trợ giúp xã hội theo hướng phổ cập theo độ tuổi, nâng mức trợ cấp xã hội phù hợp với từng thời kỳ. Xây dựng mô hình nhà xã hội chăm sóc người cao tuổi độc thân, cô đơn không nơi nương tựa, bảo đảm họ không phải sống trong nhà tạm, nhà dột, nát.
Về trợ giúp y tế, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, Chính phủ sẽ hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và các chính sách khám chữa bệnh bảo hiểm, bảo hiểm y tế cho người cao tuổi. Triển khai kịp thời chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám sức khỏe định kỳ, lập sổ quản lý theo dõi sức khỏe người cao tuổi ở y tế tuyến xã. Ưu tiên nhóm người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên và từng bước mở rộng đến nhóm từ 65 tuổi trở lên; thực hiện khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi không có điều kiện đến cơ sở khám chữa bệnh...