Tại tờ trình, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, mức nộp thuế đối với cá nhân là 11 triệu đồng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu, áp dụng từ tháng 7/2020. Cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm, giảm trừ gia cảnh, phụ cấp, trợ cấp... số còn lại là thu nhập căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, mức giảm trừ này không còn phù hợp khi lạm phát tăng, chi tiêu và cuộc sống ngày càng đắt đỏ.

Ảnh minh hoạ.
Do đó, tại dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi), Bộ Tài chính đã đề xuất nghiên cứu điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc cho phù hợp với diễn biến chỉ số CPI và các chỉ số kinh tế vĩ mô giai đoạn gần đây, góp phần giảm gánh nặng thuế cho người nộp thuế. Đồng thời, bổ sung phạm vi xác định các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được giảm trừ; nghiên cứu bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù khác; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành để phù hợp với thực tiễn phát sinh.
Góp ý dự thảo, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đồng tình cần thiết tăng mức giảm trừ gia cảnh so với hiện nay, trong đó, một số ý kiến đưa ra con số đề xuất cụ thể. Theo đó, Bộ Quốc phòng đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế lên 17,3 triệu đồng và cho người phụ thuộc 6,9 triệu đồng. Bộ Quốc phòng cho rằng năm 2020 - thời điểm ban hành mức giảm trừ hiện tại - mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng một tháng. Sau 5 năm, giảm trừ gia cảnh giữ nguyên trong khi lương cơ sở là 2,34 triệu đồng, tăng hơn 57%.
Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị xây dựng mức giảm trừ phù hợp với chính sách tiền lương tối thiểu theo 4 vùng của Chính phủ. Đối với biểu thuế lũy tiến từng phần, tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất giảm từ 7 bậc hiện hành xuống mức phù hợp; cùng với đó, xem xét nới rộng khoảng cách trong các bậc chịu thuế. Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La đề xuất tăng lên 16 triệu đồng với người nộp thuế, 5 triệu đồng với người phụ thuộc. Tỉnh Ninh Thuận đề nghị lần lượt 14 triệu đồng và 6 triệu đồng...
Nhiều địa phương, bộ ngành kiến nghị bổ sung các khoản giảm trừ hỗ trợ chi phí giáo dục, y tế, nhà ở, bảo hiểm xã hội tự nguyện và các khoản đầu tư cho sự phát triển con người. Các khoản hỗ trợ các trường hợp đặc biệt như người lao động là cha, mẹ đơn thân, hoặc có người thân mắc bệnh hiểm nghèo cũng được đề xuất đưa vào giảm trừ.
Đối với các góp ý nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng các đề xuất của cơ quan soạn thảo mới đang ở khâu xây dựng Đề cương nên chỉ tập trung làm rõ các vấn đề vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Nội dung sửa đổi chi tiết và đánh giá cụ thể sẽ được Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất khi Luật được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.