/ Pháp luật - Đầu tư
/ Nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể quốc gia

Nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể quốc gia

05/03/2022 10:00 |

(LSVN) - Mới đây, trình bày tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tham vấn về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc xây dựng quy hoạch tổng thể là cơ hội bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của quốc gia.

Ảnh minh họa. 

Cụ thể, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hiện có 6 quan điểm trong quy hoạch tổng thể quốc gia được đề xuất. Thứ nhất, phát triển quốc gia như một thể thống nhất, khắc phục tình trạng phát triển chia cắt theo địa giới hành chính, thúc đẩy liên kết giữa các vùng, địa phương để mở rộng không gian phát triển, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Thứ hai, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực để hình thành một số vùng động lực, các hành lang kinh tế, cực tăng trưởng tại khu vực có tiềm năng. Đơn cử, về phát triển các hành lang kinh tế, dự kiến có 2 hành lang Bắc - Nam: Hành lang phía Đông gắn với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và quốc lộ 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Hành lang phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây từ Cao Bằng đến Kiên Giang - Cà Mau. Trong giai đoạn đến năm 2030 ưu tiên phát triển hành lang kinh tế phía Đông và phát triển dải ven biển.

Thứ ba, phát triển theo hướng bền vững; bảo đảm sử dụng đất, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa; tăng cường đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ tư, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo bộ khung tổ chức không gian phát triển các vùng, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu phát triển dài hạn.

Thứ năm, tổ chức không gian phát triển gắn với hình thành hệ thống đô thị quốc gia tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; xây dựng mạng lưới đô thị xanh, thông minh, phân bổ hợp lý, bảo đảm khai thác được điều kiện đặc thù, lợi thế của từng vùng, miền; tăng cường kết nối đô thị và nông thôn.

Thứ sáu, tổ chức không gian phát triển quốc gia dựa trên sự gắn kết khu vực nội địa với không gian biển, tham gia các hành lang kinh tế quan trọng trong khu vực, phát triển kinh tế - xã hội các dải biên giới gắn với bảo vệ chủ quyền và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh hai điểm mấu chốt trong lập quy hoạch là đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. Quy hoạch đi trước một bước, sát thực tế, phát huy được thế mạnh của các lĩnh vực, địa phương; tháo gỡ khó khăn, yếu kém. Muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt, để có chương trình, dự án tốt, từ đó có nhà đầu tư tốt. Quy hoạch phải có tính chất lâu dài, ổn định nhưng không bất biến mà bám sát thực tiễn để điều chỉnh khi cần thiết; đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.

Ngoài ra, các cơ quan nghiên cứu cân nhắc thêm một số vấn đề như phân vùng để tìm động lực phát triển mới cho đất nước và các khu vực, đơn cử khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ... có giải pháp để các vùng khó khăn vươn lên, người dân cả nước được hưởng lợi từ sự phát triển.

PV

Khởi tố bổ sung các bị can trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương

Lê Minh Hoàng