Ảnh minh họa.
Theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, xe thô sơ bao gồm: Xe đạp (là xe có ít nhất hai bánh và vận hành do sức người thông qua bàn đạp hoặc tay quay); Xe đạp máy (gồm cả xe đạp điện, là xe đạp có trợ lực từ động cơ, nguồn động lực từ động cơ bị ngắt khi người lái xe dừng đạp hoặc khi xe đạt tới tốc độ 25km/h); Xe xích lô; Xe lăn dùng cho người khuyết tật; Xe vật nuôi kéo và các loại xe tương tự.
Để triển khai quy định tại Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã xây dựng và đang lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Trong đó có điều kiện hoạt động của xe thô sơ (Điều 24). Cụ thể, với xe đạp, xe đạp máy, xe xích lô, dự thảo Nghị định yêu cầu phải đảm bảo các điều kiện khi hoạt động như: Có hệ thống hãm, có hiệu lực; Có bộ phận phát âm thanh cảnh báo (còi, chuông); Có đèn chiếu sáng hoặc tấm phản quang ở phía trước, phía sau.
Đối với các loại xe như xe lăn dùng cho người khuyết tật; xe vật nuôi kéo và các loại xe tương tự, yêu cầu khi tham gia giao thông vào ban đêm phải có tấm phản quang hoặc đèn cảnh báo.
Các điều kiện trên hoàn toàn phù hợp với thực tiễn nhằm đảm bảo an toàn cho người điều khiển xe thô sơ cũng như các phương tiện tham gia giao thông khác khi di chuyển trên đường.
Đặc biệt vào thời điểm ban đêm hoặc tờ mờ sáng, tầm quan sát hạn chế do điều kiện ánh sáng yếu, cộng với yếu tố ngoại cảnh đường vắng khiến nhiều tài xế có tâm lý chủ quan không chú ý quan sát, là thời điểm thường xảy ra các vụ tai nạn giao thông.
Việc yêu cầu các phương tiện thô sơ trang bị thêm đèn chiếu sáng, đèn cảnh báo hay tấm phản quang giúp tăng khả năng nhận diện của xe trên đường, cảnh báo các phương tiện tham gia giao thông khác, từ đó, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tai nạn giao thông.
HOÀNG TRẦN
Xe đưa đón học sinh có thể phải sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài