Ảnh minh họa.
Tại phiên chất vấn tại Quốc hội sáng nay (05/11), đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) cho biết, hiện nay nhiều cây xăng ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh không bán hoặc bán rất ít, giới hạn chỉ 500 nghìn đến 600 nghìn đồng đối với một ô tô đã gây bức xúc cho người dân.
Theo đó, đại biểu đề nghị Thanh tra Chính phủ cho biết đã chỉ đạo thanh tra đột xuất việc cung ứng xăng dầu tại hai thành phố này chưa? và chuyển câu hỏi chất vấn này đến Bộ trưởng Bộ Công thương.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, vấn đề xăng dầu đã được báo cáo đầy đủ tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 28/10 vừa qua.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, những ngày qua, nguồn cung xăng dầu thế giới ngày càng khan hiếm. Tỉ giá ngoại tệ liên tục thay đổi, tăng cao trong tuần qua, ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.
Cùng với đó, việc tiếp cận vốn ngoại tệ để được bảo lãnh hỗ trợ thanh toán của các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối cũng còn khó khăn bởi là do nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện cho vay và bảo lãnh của các ngân hàng. Do đó, tình trạng đứt gãy cục bộ nguồn cung trong hệ thống tiếp tục diễn ra thêm ở một số nơi.
Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Công thương nêu rõ, trước tình hình trên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng vào cuộc và các ngành chức năng đều đã và đang làm tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của mình. Sự phối hợp giữa Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các ngành chức năng đã hiệu quả hơn.
Cũng theo Bộ trưởng, ngay trong chiều ngày 04/11, Bộ Công thương đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính để trong kỳ điều hành ngày 11/11 tới thì sẽ cập nhật những chi phí phát sinh. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo cụ thể cho các ngân hàng thương mại xem xét, giải quyết đối với những doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn và bảo lãnh cho việc thanh toán.
Mặt khác, Bộ Công thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trong cả nước phối hợp với cơ quan chức năng tại địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý theo quy định hiện hành.
Bộ cũng đã có văn bản đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước theo thẩm quyền và phối hợp với Bộ Công thương cũng như các bộ, ngành để giải quyết một cách dứt điểm.
Bộ trưởng Bộ Công thương bày tỏ hy vọng với những nỗ lực trên thì trong những ngày tới tình hình xăng dầu cơ bản được giải quyết.
Phát biểu tranh luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, quy định của Nghị định 95/2021/NQ-CP của Chính phủ về xăng dầu đã lạc hậu, không còn phù hợp.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, Bộ Công thương đã cấp phép quá nhiều đầu mối xuất, nhập khẩu xăng dầu thời gian qua dẫn đến hệ lụy khó quản lý. Theo đó, đại biểu đề nghị Bộ Công thương xem xét lại vấn đề này.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay kinh doanh xăng dầu đang thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Nghị định 95/2021/NQ-CP đang quy định 10 ngày/lần điều chỉnh giá xăng dầu và căn cứ giá điều chỉnh là tính giá bình quân 10 ngày trước của thị trường thế giới. Đó là trong điều kiện bình thường. Đó là thời điểm ban hành Nghị định 95/2021/NQ-CP sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho hay, vì thị trường xăng dầu rất dị biệt, bối cảnh thế giới có những biến động, do vậy rõ ràng đã có những khiếm khuyết trong quy định hiện hành. Chính phủ đã nhận thấy điều này và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu sửa Nghị định 95/2021/NQ-CP cho phù hợp với thực tiễn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho hay, thị trường thế giới thay đổi hàng ngày, thậm chí hàng giờ, cho nên chúng ta có cố gắng tới đâu thì bao giờ quy định pháp luật cũng có độ trễ.
Về hệ thống kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thừa nhận, đúng là theo quy định hiện hành, hệ thống kinh doanh xăng dầu hiện nay đang là đa tầng nấc thì bị rất rối trong những tình huống như thế này. Nhiều tầng nấc cũng dẫn tới tăng chi phí và chi phí này sẽ phải tính vào giá bán lẻ.
Do vậy, trong hướng sửa chữa tới sẽ phải sắp xếp lại hệ thống, từ đầu mối đến đại lý, cửa hàng bán lẻ. Như vậy sẽ giảm những cầu, nấc đi.
"Việc điều hành theo ngày, thì đây cũng là hướng chỉ đạo của Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu chỉ đạo làm sao sát hơn với tình hình. Nếu 10 ngày một kỳ điều hành giá không phù hợp thì có thể rút xuống 05 ngày, hoặc thậm chí lấy ý kiến rộng rãi người dân và các đối tượng tác động mà thấy rằng điều chỉnh theo ngày là ý kiến đa số thì chúng tôi sẽ nghiên cứu để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền", Bộ trưởng Bộ Công thương cho hay.
MINH QUÝ
Nguyên nhân nào dẫn đến thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp?