Cả hai cuộc điện đàm giữa Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị với Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và Bộ trưởng Ngoại giao Brunei Erywan đều xoay quanh tình hình Myanmar.
Ngoại trưởng Indonesia Retno khẳng định, Indonesia rất quan tâm đến tình hình tại Myanmar với mong muốn an ninh và hạnh phúc của người dân quốc gia này luôn phải được đặt lên hàng đầu. Bà cho biết, Indonesia sẽ thúc đẩy Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiếp xúc với Myanmar một cách xây dựng trên nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ nhằm giúp nước này vượt qua khó khăn, tiếp tục thúc đẩy tiến trình dân chủ bao trùm ở trong nước.
Theo bà Retno, Indonesia và một số thành viên trong ASEAN đã đề xuất triệu tập cuộc họp ngoại trưởng không chính thức, hy vọng Trung Quốc ủng hộ và tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong vấn đề này.
Về phần mình, ông Vương Nghị nhấn mạnh, cả Trung Quốc và ASEAN đều quan tâm tình hình ở Myanmar cũng như việc khôi phục và duy trì hòa bình, ổn định ở quốc gia này.
Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng, tình hình bất ổn hiện nay không phù hợp với lợi ích của Myanmar và người dân tại đây, cũng như lợi ích chung của các quốc gia trong khu vực. Ông khẳng định, Trung Quốc ủng hộ ASEAN phát huy vai trò xứng đáng trong việc làm dịu tình hình hiện nay ở Myanmar theo “Phương thức ASEAN”, triệu tập cuộc họp ngoại trưởng không chính thức, nhanh chóng tiếp xúc trao đổi với Myanmar theo nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ và đồng thuận tham vấn.
Trong khi đó, ông Erywan, ngoại trưởng Brunei cho rằng, công việc nội bộ của Myanmar phải do chính người dân nước này tìm ra giải pháp lâu dài, đồng thời nhấn mạnh, là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, nước này mong muốn tình hình Myanmar sớm khôi phục ổn định. Ông cho biết, ASEAN đang tìm cách đối thoại và tiếp xúc với Myanmar, đồng thời hy vọng sẽ duy trì trao đổi mật thiết với Trung Quốc với tư cách là nước láng giềng lớn nhất của quốc gia này và ASEAN.
Ông Vương Nghị cũng cho rằng, vấn đề của Myanmar cần được giải quyết hòa bình trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật, đồng thời thúc đẩy tiến trình chuyển đổi dân chủ trong nước một cách tuần tự. Bắc Kinh ủng hộ ASEAN phát huy vai trò tích cực trong vấn đề này theo “Phương thức ASEAN”, tin tưởng ASEAN sẽ có đủ “trí tuệ chính trị” của một tổ chức khu vực hoàn thiện để giúp Myanmar vượt qua cửa ải khó khăn này và trông đợi vào vai trò điều phối quan trọng của Brunei với tư tách là Chủ tịch luân phiên của ASEAN.
BÍCH THUẬN/VOV
/anh-chi-trich-hanh-dong-cua-facebook-tai-australia1613703017.html