Ảnh minh họa.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định tại khoản 1, Điều 16, Thông tư 65/2020/TT-BCA có quy định cụ thể 04 trường hợp CSGT được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, bao gồm: (1) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác; (2) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; (3) Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp; (4) Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Như vậy, lực lượng CSGT có quyền dừng xe kiểm tra khi trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật theo mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ hoặc chuyên đề kiểm tra.
Đối với việc trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật, tức vi phạm của người điều khiển phương tiện giao thông đã rõ ràng, thì phải chấp hành hiệu lệnh dừng phương tiện của lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ.
Căn cứ khoản 1, Điều 5, Thông tư 67/2019/TT-BCA của Bộ Công an, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên là một trong những nội dung công khai của ngành Công an trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Các thông tin như tên đơn vị, tuyến đường, các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý, thời gian thực hiện trong từng chuyên đề được đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan Công an. Các thông tin này cũng được đăng công báo hoặc niêm yết tại trụ sở cơ quan Công an hay công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra, chuyên đề, kế hoạch cũng được phổ biến thông qua công tác tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí hoặc hoạt động của người phát ngôn trong lực lượng Công an nhân dân. Tương tự, kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, phòng ngừa ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn được đăng tải công khai tại Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh/thành phố.
Đối chiếu quy định trên, người dân được xem kế hoạch, chuyên đề của lực lượng CSGT theo các kênh thông tin nói trên, hình thức đã đề cập trên. Còn khi người vi phạm làm việc trực tiếp tại chốt kiểm tra, xử lý vi phạm, “người bị dừng xe không được quyền yêu cầu CSGT xuất trình chuyên đề” để xác thực tại thời điểm bị dừng xe kiểm soát. Cũng không có quy định nào ghi nhận nghĩa vụ của CSGT phải xuất trình chuyên đề cho người dân xác minh tại thời điểm bị dừng phương tiện để kiểm soát.
Ngoài kế hoạch tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT, thì tại TP. Hà Nội người vi phạm cũng không được xem chuyên đề, kế hoạch của tổ công tác liên ngành 141. Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cho biết, lực lượng Cảnh sát 141 có nhiệm vụ, đặc thù riêng nên người vi phạm không được xem chuyên đề, kế hoạch của các tổ công tác liên ngành này.
Tổ công tác liên ngành 141 là tổ công tác đặc biệt của Công an TP. Hà Nội với nhiệm vụ đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và thực hiện các chuyên đề nóng của Phòng Cảnh sát giap thông và Công an thành phố. Kế hoạch của các tổ công tác 141 đã được thông qua Ban chỉ đạo 141 của Công an thành phố, hàng ngày được phân công theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Phòng CSGT và Công an thành phố để đảm bảo công tác nghiệp vụ. Vì vậy, người vi phạm không được yêu cầu xem chuyên đề, kế hoạch của các tổ công tác này.
TRẦN VŨ
Hành vi chở quá số người quy định và chạy quá tốc độ gây tai nạn bị xử phạt như thế nào?