Thảo luận tại tổ về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP. HCM) đề cập đến hàng loạt vụ việc sữa giả, thuốc giả… bị phát hiện thời gian qua, khiến dư luận rất bức xúc.
Đại biểu dẫn quy định hiện hành, đối với thực phẩm thông thường, doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm rồi đưa vào sản xuất, tự chịu trách nhiệm về an toàn sản phẩm. Đối với một số loại thực phẩm (dinh dưỡng y học, dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi…) thì phải đăng ký công bố sản phẩm, tức là chịu sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng. Sau khi các vụ việc hàng giả bị phát hiện, có ý kiến đặt vấn đề tại sao không yêu cầu đăng ký công bố với tất cả các loại thực phẩm, đại biểu cho rằng, dù công bố hay tự công bố vẫn không đủ để kiểm soát chất lượng sản phẩm, mấu chốt phải là khâu hậu kiểm. Song, khâu hậu kiểm đang đứng trước nhiều rào cản. Thực tế cho thấy không thể kiểm tra với mọi sản phẩm lưu thông trên thị trường.

Ảnh minh họa.
Để khắc phục tình trạng trên, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan kiến nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể về việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, tần suất như thế nào, thời hạn ra sao, kèm theo các điều kiện để có thể thực hiện. Đồng thời có thể áp dụng xã hội hóa, huy động các cơ quan kiểm định độc lập cùng tham gia kiểm tra…
Đáng lưu ý, đại biểu cũng đề xuất nghiên cứu và định nghĩa rõ ràng về cơ chế bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng khi sử dụng phải sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Điều này rất có liên quan trong trường hợp công dân tiêu thụ các sản phẩm mà cơ quan chức năng đã tuyên bố là "an toàn", nhưng cuối cùng lại là hàng giả, hàng kém chất lượng. Điều này sẽ giúp người dân tránh được thiệt thòi, tạo động lực cho người dùng tố cáo các vấn đề nếu họ mua phải sản phẩm lỗi, thay vì chỉ "ngậm đắng nuốt cay chịu đựng".
Cùng cho ý kiến về dự án luật này, Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn TP. HCM) bày tỏ băn khoăn khi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 có nêu khái niệm hàng hóa, sản phẩm kém chất lượng, nhưng dự thảo luật sửa đổi lại không có quy định ranh giới để phân biệt loại hàng hóa, sản phẩm này. Thay vào đó là áp dụng thông lệ quốc tế, chia thành 3 nhóm: Rủi ro, không rủi ro và nhóm khác.
Đại biểu dẫn quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP, theo đó, hàng hóa có một trong các chỉ tiêu chất lượng đạt dưới 70% mức tối thiểu đã đăng ký, công bố thì được coi là hàng giả. Trong khi đó, quy định mới tính chất lượng sản phẩm theo vòng đời từ khi sản xuất, ra thị trường, bao gồm ảnh hưởng của quy trình bảo quản, thời tiết làm cho chất lượng giảm đi, hoặc làm cho hợp chất nào đó trong sản phẩm bị tác động hóa học, chuyển qua chất khác kém đi.
Từ thực trạng trên, đại biểu nhận định phải tính toán để xây dựng hàng rào phân biệt hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng giảm chất lượng do quá trình vận chuyển, ảnh hưởng tác động thời tiết.