Ảnh minh hoạ.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Tại phần giải thích từ ngữ, dự luật bổ sung khái niệm "người chuyển tải sản phẩm quảng cáo". Đây là người trực tiếp quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hoạt động của mình trên mạng xã hội, trong sản phẩm quảng cáo hoặc thông qua hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc hình thức tương tự.
Theo dự luật, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm; thu nhập từ hoạt động quảng cáo; nội dung quảng cáo, doanh thu, tên sản phẩm, số lượng của từng sản phẩm phát sinh từ hoạt động quảng cáo định kỳ theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo chịu trách nhiệm liên đới khi sản phẩm quảng cáo không bảo đảm yêu cầu; tự phân biệt nội dung quảng cáo với nội dung, thông tin chia sẻ, đăng tải thông thường.
Người có ảnh hưởng (chuyên gia, người có uy tín, người được xã hội chú ý trong lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể) thực hiện quảng cáo thì có nghĩa vụ tuân thủ quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chất lượng hàng hóa dịch vụ. Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về sản phẩm, người quảng cáo phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm.
Theo cơ quan soạn thảo, hoạt động quảng cáo đang phát triển rất mạnh trong cơ chế thị trường với sự đa dạng của nội dung, hình thức. Nhiều người đã lợi dụng sự thông dụng của mạng xã hội, người nổi tiếng để quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm quảng cáo được chuyển tải theo hướng ý kiến, cảm nhận của người trực tiếp sử dụng để thu hút sự quan tâm của người tiếp nhận. Hình thức quảng cáo thông qua cảm nhận cá nhân của những người có ảnh hưởng (Influencer) đã trở nên phổ biến, gây tác động lớn đến xã hội.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2024.
MINH ÁNH (t/h)
Những bộ phận thiếu trên xe máy có thể bị phạt theo quy định mới