Người nước ngoài là cha của công dân Việt Nam có thể nhập cảnh, cư trú lâu dài tại Việt Nam không?

30/09/2024 10:09 | 11 giờ trước

(LSVN) - Cha của con tôi là người nước ngoài có nhu cầu cư trú lâu dài ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi chưa đăng ký kết hôn nhưng có chung với nhau một đứa con. Trong giấy khai sinh có tên tôi và cha của con tôi. Vậy, trường hợp này chúng tôi cần làm gì để được cư trú hợp pháp lâu dài tại Việt Nam?

Ảnh minh họa.

Liên quan đến vấn đề này, theo Bộ Công an, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019, 2023), cháu bé (nếu đang thường trú trong nước) được quyền bảo lãnh cho bố đẻ là người nước ngoài nhập cảnh, cư trú lâu dài tại Việt Nam.

Tuy nhiên, cháu bé chưa đủ khả năng để thực hiện các trách nhiệm được quy định tại khoản 2 Điều 45 của Luật.

Điều 45 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019, 2023) quy định như sau

"Điều 45. Quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh có các quyền sau đây:

a) Cơ quan, tổ chức được thành lập hợp pháp tại Việt Nam được mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, lĩnh vực hoạt động;

b) Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước được mời, bảo lãnh ông, bà, cha, mẹ của vợ hoặc chồng; vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột là người nước ngoài vào Việt Nam thăm;

c) Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước được bảo lãnh cha, mẹ, vợ, chồng, con là người nước ngoài xin thường trú hoặc xin cấp thẻ tạm trú tại Việt Nam.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh có các trách nhiệm sau đây:

a) Làm thủ tục mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú theo quy định của Luật này;

b) Hướng dẫn, giải thích cho người nước ngoài chấp hành quy định của pháp luật và tôn trọng truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam;

c) Thực hiện trách nhiệm bảo lãnh theo quy định của pháp luật và phối hợp với cơ quan chức năng của Việt Nam giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến người nước ngoài đã mời, bảo lãnh;

d) Phối hợp với cơ quan chức năng về quản lý hoạt động của người nước ngoài theo đúng mục đích nhập cảnh trong thời gian tạm trú tại Việt Nam; phối hợp với cơ sở lưu trú thực hiện việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài;

đ) Làm thủ tục với cơ quan quản lý nhà nước về ngành, nghề, lĩnh vực quy định phải xin phép trước khi mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để hoạt động trong các ngành, nghề, lĩnh vực đó;

e) Thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh về việc người nước ngoài được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú còn thời hạn nhưng không còn nhu cầu bảo lãnh trong thời gian tạm trú tại Việt Nam và phối hợp với cơ quan chức năng yêu cầu người nước ngoài xuất cảnh.

Điều 45a. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ được sử dụng lao động là người nước ngoài, tổ chức chương trình du lịch cho người nước ngoài hoặc cho người nước ngoài tạm trú khi người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam phải thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất; trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm trong khu vực biên giới phải thông báo ngay cho cơ quan Công an hoặc đồn, trạm Biên phòng nơi gần nhất".

Để cha của cháu bé có thể cư trú lâu dài tại Việt Nam, bạn cần nhanh chóng hoàn thiện các giấy tờ làm thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật để có thể bảo lãnh cho người nước ngoài (cha của cháu bé) nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam.

Bộ Công an cho biết, trước mắt, để tạo điều kiện cho người nước ngoài có thể thăm con và có thời gian hoàn thiện các thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định, cha của cháu bé có thể đề nghị cấp thị thực điện tử để nhập cảnh Việt Nam, thời hạn tối đa 90 ngày.

VĂN QUANG