(LSO) - Qua đò, bà tất tưởi về làng, nhưng lúc đó thì nghe tin thằng Tiến bị Công an bắt, đã giải lên huyện, nghe đâu là vì nhập cảnh trái phép... Bà chạy đến Công an huyện, nó lại bị giải lên tỉnh, chỉ để lại một bản tường trình...
Cả nhà bà Đoan sửng sốt khi nhận được bức điện, đoán già đoán non. Linh cảm của bà mẹ đến bên bàn thờ đứa con trai lưu lạc... Bà thắp 3 nén nhang, thầm khấn hương hồn thằng Tiến hiện về.
Trên bàn thờ, bức ảnh của thằng Tiến đứng đó, nét mặt non trẻ, chiếc áo màu nâu, phía sau là tấm phông vẽ biển với cách buồm đơn độc xa xa... Bức ảnh này được vẽ lại vào năm 1987, sau 7 năm bặt tin tức, kể từ ngày nó lên đường nhập ngũ.
Đầu năm 1981 gia đình bị mất liên lạc với Tiến, chỉ biết đơn vị khi nhập ngũ là D24-F.317 mặt trận 479, Quân khu 7... Bà nhớ không biết bao lần lặn lội lên Quân khu hỏi thăm tin tức về đứa con mình, kể cả vào đầu năm 1983 khi Sư Đoàn về nước, nhưng cũng không tìm ra tung tích của Tiến.
Theo Ban tổ chức động viên trả lời thì Tiến không nằm trong danh sách mất tích hoặc hy sinh, đào ngũ... Năm 1987, có người đến báo Tiến bị bắt ở Tây Ninh và Gia Lai Kon Tum, bà cũng lên tận nơi tìm, nhưng không phải là Tiến.
Đầu năm 1991, khi được Quân khu thông báo đã tìm hết cách rồi nhưng không có kết quả, sau đó cán bộ Phòng tổ chức động viên xác nhận Lê Công Tiến bị mất tích, rồi gia đình nhận được giấy báo tử và Tiến chính thức được công nhận liệt sĩ... Bà đã khóc đến khô nước mắt, thương xót cho thân phận của nó bị lưu lạc từ nhỏ.
Quá khứ như một ám ảnh đeo đuổi bà Đoan đến tận bây giờ. Ba mươi năm trước đây, thằng Tiến mới lên 5 tuổi, đi lang thang cùng anh là thằng Hùng trên đất Hải Phòng. Khi nhìn thấy chúng nhem nhuốc, bẩn thỉu, bà ôm hai đứa con khóc, rồi dắt chúng ra bờ sông Tam Bạc tắm rửa, cho chúng ăn. Chúng là giọt máu sống chung giữa bà và người chồng trước là thương binh. Ông ấy đã giấu bà về việc đã có vợ, đến khi phát hiện, bà đau lòng phải làm giấy nhường chồng và ra đi. Hai đứa ở cùng với ông ấy, nhưng hoàn cảnh mẹ ghẻ con chồng không nói ra thì ai cũng hiểu.
Nghe tin chúng đi lang thang ăn xin, bà lặn lội tìm con. Khi thằng Hùng được 10 tuổi, bà Đoan lén về thăm hai con ở Thủy Nguyên - Hải Phòng. Nhìn hai anh em nó khóc tức tưởi khi tiễn bà ra xe lửa về Hà Nội, bà không thể hình dung hết gan lỳ của chúng... Cả hai bỏ nhà đêm hôm đó, lên tàu về Hà Nội tìm mẹ.
Đêm rét buốt, hai anh em Hùng - Tiến lang thang ở Bờ Hồ, không một hạt cơm trong bụng, ngồi bên nhau trên ghế đá ẩm ướt hơi sương. Chỉ đến khi có Công an đi tuần tra, phát hiện chúng gần như lạnh cóng run rẩy, bèn đưa vào đồn sưởi ấm, cho ăn. Chúng được đưa trở về Thủy Nguyên. Nhưng chỉ ít lâu sau, hai anh em lại trốn đi, vừa ăn xin, vừa ngủ dọc đường...
Một hôm, đang đi trên đường, nghe tiếng còi hú có máy bay Mỹ ném bom, hai đứa chạy vào một ngôi nhà. Một quả bom rơi đúng ngay ngôi nhà chúng trú ẩn, đất đá bay ào ào. Thằng Tiến bị bom bi bắn vào người máu chảy nhiều lắm. Thằng Hùng ẵm em vào bệnh viện Việt - Tiệp cấp cứu. Nhìn em quấn băng trắng khắp người, thằng Hùng khóc than đến ngất xỉu.
Đến khi cứu sống được thằng Tiến, Hùng đưa em về với bố, còn mình vào trại trẻ mồ côi. Sau đó trở về quê mẹ ở Văn Lang, Sông Thao, Vĩnh Phú. Ở đây, người ta đưa Hùng vào Trường Công nông nghiệp nuôi dạy trẻ em hư. Hai anh em bặt tin nhau, cho đến 4 năm sau Hùng nhìn thấy chiếc xe của Công an đỗ xịch trước cổng trường. Trong số những đứa trẻ bước xuống, có em nó là Lê Công Tiến...
***
Bà Đoan chỉ nghe kể lại câu chuyện này khi sau giải phóng, bà từ Sài gòn ra Bắc tìm con. Sau khi chia tay người chồng thương binh, bà được một người đàn ông Nam Bộ tập kết yêu thương. Cả hai vợ chồng bà tình nguyện vào Nam chiến đấu, rồi sinh hạ được một cô con gái... Hòa bình lập lại, bà ra Bắc tìm con thì biết được thằng Hùng đã lên Bắc Thái làm nông trường, đã lấy vợ có con, riêng thằng Tiến sau khi ra trường, xin đi làm đường ở Nghệ An...
Ba mẹ con khi gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Bà Đoan đưa hai con vào Sài Gòn sống với gia đình mới. Ông Lê Công Thành, người sĩ quan Cục hậu cần Quân khu hết mực thương yêu con cái riêng của bà, đặt lại tên cho hai anh em. Từ đó mới có tên là Lê Công Tiến cùng họ với chồng...
Tháng 11/1976, thằng Hùng lên đường nhập ngũ vào quân đội, rồi đến tháng 7/1980, thằng Tiến cũng lên đường. Sự tái hợp hôm nào rồi cũng chia xa, khi bà hay tin Tiến được đơn vị báo tử chính thức năm 1991.
Ngay hôm nhận được bức điện tín kỳ lạ từ Hòn Gai, Quảng Ninh, bà liền ra bưu điện gửi lại cho bưu điện Ka Long ngày 18/9/1992: “Gia đình tôi có thân nhân bị thất lạc từ lâu, nay mới nhận được tin - bà Đoan viết - xin quý bưu điện điện gửi cho tôi về địa chỉ: Nguyễn Thị Đoan ở 306/33 đường Cách Mạng Tháng Tám phường 13 quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh”.
Mười ngày sau, bỗng bà nhận được một bức điện khẩn từ Văn Lang, Sông Thao, Vĩnh Phú: “Cô chú ra ngay, thằng Tiến còn sống, đón vợ chồng nó về”, người gửi là Nguyễn Thị Hoa... Bà Đoan như không tin vào mắt mình. Chẳng lẽ thằng Tiến còn sống? Nhưng tại sao nó lại xuất hiện ở quê? Rồi bức điện từ Quảng Ninh có phải nó điện không? Ngay hôm sau, bà Đoan cùng thằng Hùng mua vé xe lửa ra Hà Nội, rồi chuyển tàu về Ấm Thượng.
Qua đò, bà tất tưởi về làng, nhưng lúc đó thì nghe tin thằng Tiến bị Công an bắt, đã giải lên huyện, nghe đâu là vì nhập cảnh trái phép... Bà chạy đến Công an huyện, nó lại bị giải lên tỉnh, chỉ để lại một bản tường trình: “Tôi là Lê Công Tiến, 37 tuổi, trú quán tại 306/33 Cách Mạng Tháng Tám phường 13 quận Tân Bình từ nông trường trồng chè tỉnh Giang Tây Trung Quốc trở về Việt Nam bằng đường Móng Cái. Bản thân tiểu sử hồi ở Việt Nam, từ Sài Gòn đi bộ đội sang Campuchia. Năm 1981, tôi bị Pôn Pốt bắt giải về trại tỵ nạn ở Thái Lan rồi lưu lạc sang Trung Quốc, được sắp xếp làm việc tại nông trường chè huyện Kim Khê... đến bây giờ là năm 1992 (hơn 10 năm xa Tổ Quốc), hiện giờ về tới quê ngoại nhắn tin tìm mẹ được 3 ngày. Xin chính quyền địa phương giúp đỡ cho tôi được gặp mẹ, sau này sẽ làm thủ tục. Tôi xin cảm tạ chính quyền địa phương quê ngoại”.
Bà Đoan òa lên khóc, vừa mừng vì nó còn sống, vừa đau xót về tình cảnh giam giữ, vì ngay sau đó, Công an tỉnh đã đưa Tiến về trại giam Phủ Đức. Họ còn thẩm tra lại tung tích của Tiến.
Bà Đoan cùng Hùng đi xuống Phủ Đức. Tại đây, cơ quan An ninh đã tổ chức nhận dạng xem có đúng người bị bắt là Lê Công Tiến là con của bà Đoan hay không. Chỉ khi tận mắt nhìn thấy Tiến và Tiến nhận ra gia đình, rồi bà Đoan đưa các giấy tờ của Quân khu về chứng nhận là liệt sĩ, lúc đó họ mới tin. Thằng Tiến còn sống - đối với bà Đoan, đó là tất cả...
(Mời quý độc giả đón đọc tập truyện hấp dẫn tiếp theo: “Người sống lại (Kỳ 2): Hành trình phiêu bạt” sẽ được đăng tải vào ngày 18/7/2020).
PHONG LINH