/ Luật sư trực ban
/ Người thân bồi thường thay thì người phạm tội có được giảm án?

Người thân bồi thường thay thì người phạm tội có được giảm án?

11/04/2022 04:07 |

(LSVN) - Giảm án là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm, thể hiện rõ sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội. Vậy, với trường hợp người phạm tội được người thân bồi thường thay thì có được giảm án không?

Ảnh minh họa.

Giảm án là gì?

Tư vấn về vấn đề trên, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, PGĐ Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp luật liên quan không có quy định cụ thể giải thích về giảm án. Tuy nhiên, căn cứ vào các hình phạt tù được áp dụng đối với người phạm tội như: Phạt cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; tù có thời hạn; tù chung thân; tử hình… có thể hiểu giảm án là giảm thời hạn phạt tù, hoặc hình thức chấp hành hình phạt:

- Chuyển từ hình phạt tử hình sang hình phạt tù chung thân; hoặc chuyển từ tù chung thân sang tù có thời hạn…

Giảm án được thực hiện bởi Toà án, trên cơ sở quyết định cho đối tượng là người đang chấp hành hình phạt.

Tuy nhiên, để có thể được giảm án, người bị kết án cần phải đáp ứng các điều kiện được quy định theo pháp luật.

Được người thân bồi thường thay, người phạm tội có được giảm án?

Về vấn đề này, tại khoản 1, Điều 63, Bộ luật Hình sự 2015 có quy định như sau:

1. Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn, 12 năm đối với tù chung thân.

Theo quy định trên, trường hợp người phạm tội được được xem xét giảm mức hình phạt đã tuyên khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân;

- Đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định;

- Có nhiều tiến bộ;

- Đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự.

Đáng chú ý, thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là:

- 1/3 thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn;

- 12 năm đối với tù chung thân.

Việc giảm mức hình phạt đã tuyên sẽ do Tòa án quyết định dựa trên đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền.

Trong đó, điều kiện “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” là nội dung mới được ghi nhận tại Bộ luật Hình sự 2015 và được hướng dẫn tại Công văn số 64/TANDTC-PC.

Theo đó, “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” được hiểu là đã bồi thường được ít nhất một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án.

Trường hợp người bị kết án bồi thường được ít hơn một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án nhưng có nếu đáp ứng một trong hai điều kiện sau đây thì cũng được coi là “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự”:

- Có văn bản miễn giảm một phần nghĩa vụ dân sự;

- Có thỏa thuận khác của phía bị hại (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền) thể hiện người bị kết án đã bồi thường được một phần hai nghĩa vụ dân sự.

Căn cứ theo các quy định trên, người phạm tội có thể được xem xét giảm án khi đã bồi thường được ít nhất một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án.

Trường hợp bồi thường dưới một phần hai nghĩa vụ dân sự phải có văn bản miễn giảm một phần nghĩa vụ dân sự hoặc có thỏa thuận khác của bị hại về việc đã bồi thường được một phần hai nghĩa vụ dân sự.

Đồng thời, người này phải đáp ứng các điều kiện khác như: Bị kết án cải tạo không giam giữ; phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân; có nhiều tiến bộ;…

TRẦN QUÝ

Trình tự và thủ tục rút tiền bảo hiểm xã hội một lần?

Lê Minh Hoàng