Ảnh minh họa.
Cụ thể, theo báo cáo của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, một số nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm như: các dự án khởi công mới được giao vốn ngân sách nhà nước năm 2022 đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu, phê duyệt kế hoạch đấu thầu; các dự án mua sắm trang thiết bị theo hợp đồng thanh toán vào cuối năm; các dự án chuyển tiếp đang thi công, cần có khối lượng mới giải ngân được... Đặc biệt, một nguyên nhân khác kéo dài từ năm này sang năm khác là đền bù giải phóng mặt bằng; trong đó, chủ yếu là vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích; chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành…
Bên cạnh đó là việc lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch giao. Còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”, dự kiến vốn trước rồi mới tiến hành làm thủ tục đầu tư (quyết định đầu tư các dự án) hoặc thực hiện các thủ tục gia hạn hiệp định, kéo dài thời gian bố trí vốn đối với dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, sau khi 6 tổ công tác của Chính phủ có cuộc họp với một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, về cơ bản, tình hình đã được cải thiện hơn. Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã thành lập tổ công tác trong từng cơ quan, đơn vị để rà soát khó khăn, vướng mắc các dự án đang triển khai trong năm 2022.
Để giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 cũng như các năm về sau đạt tỷ lệ cao, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương, tuân thủ đúng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt, hạn chế tư duy nhiệm kỳ trong việc xây dựng, lựa chọn danh mục dự án đầu tư công. Trong số đó, xây dựng chế tài xử lý đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không phân bổ hết kế hoạch được giao theo đúng thời gian quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước (trước ngày 31/12 năm kế hoạch), trả lại kế hoạch trong năm để khắc phục tình trạng lập kế hoạch không sát với khả năng thực hiện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị xây dựng và ban hành quy định về các hành động trước được phép thực hiện đối với dự án đầu tư công, nhất là chuẩn bị đầu tư (bố trí kinh phí nghiên cứu, trong trường hợp dự án không khả thi thì được phép hạch toán chi phí hợp lệ), giải phóng mặt bằng coi là dự án độc lập, được thực hiện đầy đủ, toàn bộ các hoạt động ngay sau khi chủ trương đầu tư được duyệt. Đồng thời, đề nghị sớm sửa đổi và ban hành các quy định tại các Luật liên quan đến đầu tư công như: Luật Đất đai, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Khoáng sản… bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục - điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi...
Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên. Đồng thời, rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn, chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư của các dự án được giao quản lý...
PV
Tọa đàm 'Hoàn thiện khung pháp lý trong hoạt động đầu tư, mua sắm thiết bị, vật tư y tế'