/ Hoạt động Luật sư
/ Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng với sự ra đời của Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng với sự ra đời của Liên đoàn Luật sư Việt Nam

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng - mà mọi người thường gọi bằng cái tên Nam bộ rất trìu mến: Anh Hai Nghĩa - đã không còn nữa. Nhưng giới Luật sư Việt Nam sẽ không bao giờ quên tấm lòng, trăn trở và những việc ông đã làm trong quá trình chuẩn bị, thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

1. Ngay từ năm 2007, việc xây dựng Đề án thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc đã được Bộ Tư pháp và các cơ quan Nhà nước liên quan tập trung xây dựng với mục tiêu: Xây dựng hoàn chỉnh, củng cố chặt chẽ hệ thống tổ chức xã hội – nghề nghiệp Luật sư từ trung ương đến địa phương nhằm đảm bảo thống nhất hoạt động tự quản của tổ chức Luật sư trong phạm vi cả nước; Xây dựng đầu mối thống nhất đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các Đoàn Luật sư, các Luật sư trong phạm vi cả nước; Tạo điều kiện hơn nữa cho tổ chức Luật sư Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu quốc tế để phát triển nghề Luật sư.

Việc thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc phải đáp ứng được các yêu cầu: Phù hợp với thông lệ của nghề Luật sư, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; Phù hợp với trình độ phát triển của nghề Luật sư, điều kiện kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa và hệ thống tư pháp của nước ta trong giai đoạn hiện nay; Thể hiện được ý chí, nguyện vọng của các Luật sư, bảo đảm tính đại diện cho các Đoàn Luật sư, Luật sư trong cả nước trên cơ sở các quy định của Luật Luật sư, đồng thời phải thể hiện cụ thể nguyên tắc kết hợp quản lý Nhà nước với vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp Luật sư.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng phát biểu tại Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất.

Quá trình xây dựng Đề án, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng luôn quan tâm sát sao, cho nhiều ý kiến quan trọng về nội dung của Đề án, đặc biệt là việc xác định mục tiêu và yêu cầu thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc, nhất là việc quán triệt nguyên tắc kết hợp quản lý Nhà nước với vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư.

Có thể nói, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, bản Đề án được dự thảo nhiều lần qua các cuộc tọa đàm, hội thảo và cuối cùng đã hoàn thành và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 16/01/2008. Theo Quyết định này, một Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất (gọi tắt là Ban chỉ đạo) được thành lập, gồm 9 người do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường làm Trưởng Ban, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên làm Phó trưởng ban cùng 04 thành viên của các cơ quan, ban ngành, Hội Luật gia Việt Nam và 03 Luật sư chủ nhiệm của các Đoàn Luật sư: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Quyết định cũng giao cho Ban Chỉ đạo Đại hội chỉ đạo thực hiện các công việc chuẩn bị Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc như: Thành lập, công bố và tổ chức ra mắt Hội đồng lâm thời Luật sư toàn quốc; Soạn thảo Điều lệ và các văn kiện trình Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc; Tham mưu cho Đảng, Nhà nước về nhân sự để bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các chức danh khác của Hội đồng Luật sư toàn quốc...

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất.

2. Vấn đề chọn các thành viên Hội đồng lâm thời Luật sư toàn quốc, đặc biệt là Chủ tịch Hội đồng cũng là một công việc phức tạp và khó khăn, rất nhiều ý kiến đưa ra về các điều kiện, tiêu chuẩn… Cá biệt có những ý kiến đối lập với ý kiến chung, khó thống nhất. Trong hoàn cảnh đó, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, bằng uy tín, phẩm chất đạo đức và một tấm lòng nhiệt huyết đã có những ý kiến chỉ đạo có lý, có tình, giải tỏa được sự khác biệt trong quan điểm chọn lựa. Hội đồng lâm thời Luật sư toàn quốc đã được thành lập ngày 04/6/2008 do Luật sư Lê Thúc Anh làm Chủ tịch. Và cũng dưới sự chỉ đạo sát sao của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Hội đồng lâm thời đã hoạt động rất tích cực, gặp khó khăn nào đó phát sinh đều xin ý kiến của ông và được ông tận tình giúp đỡ, cho ý kiến chỉ đạo. Một loạt các công việc thuộc chức năng của Hội đồng đã hoàn thành để chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc – thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

3. Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc được tổ chức từ ngày 10-12/5/2009 đã thành công tốt đẹp và lấy ngày 12/5/2009 là Ngày thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành Đại hội, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã đến dự, phát biểu và quan tâm theo sát mọi diễn biến của Đại hội. Có lẽ, các đại biểu Luật sư toàn quốc không thể nào quên được bài phát biểu của ông như là lời tâm sự rút ra từ gan ruột của mình. Ông nói rất nhiều về  sự cần thiết cấp bách của việc thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam – mái nhà chung của toàn thể giới Luật sư Việt Nam, về sự đồng sức đồng lòng trong tình đồng nghiệp của những người hành nghề cùng trong mái nhà ấy; ông tỏ lời mong đợi và tin tưởng rằng Đại hội này với tinh thần đó, nhất định sẽ thành công tốt đẹp. Những lời giản dị, dân dã của ông đã thấm vào lòng người nghe, gây nên  sự xúc động và đồng cảm. Có thể nói, đó cũng là một động lực để các đại biểu góp phần vào thành công của Đại hội.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng dự kỷ niệm 2 năm thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

4. Giai đoạn mới thành lập, hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng vẫn quan tâm theo sát, có những ý kiến chỉ đạo kịp thời tháo gỡ dần những khó khăn ấy. Ông từng nói, ông bà ta có câu “An cư mới lạc nghiệp”, ông đã cố gắng rất lớn giúp cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam có kinh phí để thuê trụ sở, và cũng đã tác động để Liên đoàn Luật sư Việt Nam được giao một phần tại địa chỉ số 9 Hồ Xuân Hương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Khi gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, ông cũng kịp thời có ý kiến kết luận trong Thông báo số 226/TB-VPCP ngày 23/8/2010 của Văn phòng Chính phủ đề nghị Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ giải phóng mặt bằng  theo đúng chế độ chính sách của Nhà nước để Liên đoàn Luật sư Việt Nam sớm tiếp nhận trụ sở làm việc.

Khi còn đương chức, ông cũng cố gắng dành thời gian đến thăm và làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, lắng nghe và ghi nhận những ý kiến của Liên đoàn Luật sư Việt Nam để nghiên cứu và có hướng giải quyết tạo điều kiện cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam thực hiện chức năng nghề nghiệp của mình. Kể cả khi nghỉ hưu, về quê hương Bến Tre sống một cuộc đời của một “lão nông”, ông vẫn quan tâm, chăm lo đến sự phát triển của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và giới Luật sư Việt Nam, thường xuyên theo dõi và có những ý kiến trao đổi thân tình.

 Các Luật sư vẫn nhớ những công lao đóng góp cho sự phát triển Liên đoàn Luật sư Việt Nam của  Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng – Anh Hai Nghĩa – một người Anh lớn của giới Luật sư Việt Nam.

"Anh Hai Nghĩa - Người Anh chân tình, gần gũi"

Trước sự ra đi đột ngột của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Luật sư Lê Thúc Anh - nguyên Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam bày tỏ sự đau buồn và có những chia sẻ với Tạp chí Luật sư Việt Nam về những kỷ niệm với nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng.

Luật sư Lê Thúc Anh chia sẻ, ông đã biết anh Hai Nghĩa từ rất lâu, thời kỳ ông làm Phó Chánh án TAND Tối cao phụ trách phía Nam. Khi đó xảy ra vụ án Năm Cam, ông Trương Vĩnh Trọng là Trưởng Ban chỉ đạo cũng đã đi vào miền Nam để tham gia chỉ đạo.

“Anh làm việc rất cụ thể, tích cực bám sát các đơn vị Công an, Kiểm sát, Tòa án để có gì khó khăn anh giải quyết kịp thời, việc nào chưa giải quyết ngay được thì để nghị lên trên”, Luật sư Thúc Anh nói.

Chẳng hạn như trong thời kỳ đó có một vấn đề là thay đổi chủ tọa trong Hội đồng xét xử. Theo pháp luật khi đó, chỉ được thay thành viên trong Hội đồng xét xử nhưng chủ tọa thì không thay đổi. Theo quy định, vụ án đang xử thì phải hoãn xét xử lại từ đầu nếu thay chủ tọa.

Nhưng vụ án Năm Cam khi đó phức tạp, xét xử kéo dài, nếu thay chủ tọa lúc đó thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình giải quyết. Chủ tọa khi đó đang xử bị bệnh đột ngột không thể tham gia xét xử được. Khi đó, Luật sư Thúc Anh có đề xuất dự thảo công văn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông đã soạn công văn gửi Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và Phó Thủ tướng đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo Nghị quyết, trong trường hợp Chủ tọa bị bệnh thì có thể thay được. “Sau này thì mình đã sửa quy định luật cho phù hợp. Trong vụ án Năm Cam này, anh Trọng cũng rất quan tâm chỉ đạo về các mặt hậu cần, vật chất,... để cho Hội đồng xét xử cũng như các cơ quan tố tụng chi viện kịp thời, đầy đủ để đảm bảo công việc”, Luật sư Thúc Anh chia sẻ.

Trong giai đoạn thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Có thể nói, quá trình thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam rất phức tạp và khó khăn. Đây là một tổ chức rất mới mẻ, là tổ chức xã hội nghề nghiệp, phải tự chịu kinh phí, tự chủ tài chính, tự trang trải. Do đó, có nhiều khó khăn. Hơn nữa, nghề Luật sư, đội ngũ Luật sư lúc đó cũng nhiều phức tạp. Nhiều ý kiến không muốn thành lập Liên đoàn Luật sư.

Trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, lúc đó ông Trương Vĩnh Trọng là Trưởng Ban Nội chính đã có công lớn tham mưu cho Bộ Chính trị để soạn thảo ra Nghị quyết này. Nghị quyết nêu rõ vấn đề cải cách tư pháp trong đó có nâng cao vai trò, vị thế Luật sư. Theo Nghị quyết 49, phán quyết của Hội đồng xét xử phải dựa trên cơ sở tranh tụng tại tòa, mà muốn nâng cao tranh tụng tại phiên tòa thì phải nâng cao vị thế của người bào chữa viên, trong đó có Luật sư. Do đó, muốn nâng cao vị thế Luật sư phải có một tổ chức thống nhất trong toàn quốc, dưới một mái nhà chung. Quá trình thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng có rất nhiều khó khăn về con người, vật chất,... "Tuy nhiên, anh Trương Vĩnh Trọng lúc đó với cương vị được phân công bên Đảng, bên Chính phủ, anh đã tham gia chỉ đạo cụ thể, những vấn đề gì mà đề xuất thì anh thường giải quyết ngay.

Có thể nói, giai đoạn đầu rất khó khăn, việc thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có sự chỉ đạo chung của Đảng, của Nhà nước trong đó có vai trò của Bộ Tư pháp, Hội đồng lâm thời Luật sư toàn quốc và cũng phải kể đến sự chỉ đạo, giúp đỡ của anh Hai Nghĩa - Trương Vĩnh Trọng", Luật sư Thúc Anh nói..

Sau khi Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập, những khó khăn vẫn còn tồn tại như về con người, trụ sở, kinh phí, thu phí Luật sư,... Luật sư Thúc Anh chia sẻ, đã có báo cáo với ông Hai Nghĩa – Trương Vĩnh Trọng và đã tổ chức một cuộc họp mời các ban ngành trung ương hỗ trợ, tạo điều kiện cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

"Với sự chỉ đạo quan tâm sâu sát của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đặc biệt là anh Trương Vĩnh Trọng đã có nhiều chỉ đạo cụ thể. Chúng tôi rất quý mến, kính trọng, biết ơn anh. Về mặt tình cảm, anh là một người rất chân tình, gần gũi, khi gặp khó khăn gọi anh anh mời lên ngay chứ không câu nệ gì cả. Nhiều khi anh còn tổ chức ăn bánh xèo, tạo sự thân mật giữa cán bộ cấp trên với cấp dưới.

Sau khi anh nghỉ hưu, tôi cùng các anh em Luật sư cũng nhiều lần đến thăm anh ở Bến Tre, anh cũng rất vui vẻ thân mật, hỏi han tình hình chung. Chúng tôi cũng biết anh đã yếu hơn nhiều, nhưng vẫn cảm thấy sự ra đi này của anh rất đột ngột, đầy thương xót.

Cá nhân tôi xin chia buồn cùng gia đình của anh Trương Vĩnh Trọng, đây là sự mất mát của Đảng và Nhà nước, cơ quan nội chính, tư pháp cũng đã mất đi một người anh kính mến".

Luật sư Lê Thúc Anh

Nguyên Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

 

Một vài kỷ niệm với anh Hai Nghĩa

Nghe tin anh Hai Nghĩa - Đồng chí  Trương Vĩnh Trọng, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ từ trần, ai trong chúng ta, những người đã từng có dịp được gặp gỡ tiếp xúc với Anh đều không khỏi xúc động.

Nhớ đến Anh là nhớ đến một con người hết sức bình dị, dễ gần nhưng vô cùng đáng kính trọng.

Còn nhớ vào những năm 2010, 2011, Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức Cuộc bình chọn và vinh danh Hãng Luật và Luật sư tiêu biểu lần thứ 1. Cuộc bầu chọn đã rất thành công và được dư luận cũng như giới Luật sư cả nước quan tâm. Buổi Lễ Tổng kết và trao giải năm ấy được tổ chức tại Khách sạn Daewoo Hà Nội. Ban Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam khi ấy đã báo cáo và được Bộ trưởng Hà Hùng Cường đồng ý mời Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tham dự. Khi chúng tôi chuyển Giấy mời thì Anh Hai rất quan tâm và hứa tới dự.

Buổi Lễ hôm ấy, Anh Hai là vị khách quan trọng đến đầu tiên. Anh đến sớm quá làm chúng tôi hết sức lúng túng, vì lúc bấy giờ Bộ trưởng Hà Hùng Cường vẫn còn đang ở Bộ. Khi chúng tôi báo cáo với Anh về chương trình nghị sự, thấy cuối cùng có tiệc chiêu đãi, anh đùa bảo rằng: “Có tiệc mà chả đứa nào bảo, để anh trước khi đến đây đã ăn mất bát cơm nguội rồi!”.

Anh Hai giản dị và gần gũi là thế.

Khi chúng tôi tổ chức đợt vinh danh lần thứ 2 thì Anh Hai đã nghỉ hưu. Ban Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam khi ấy đã quyết định làm một số Kỷ niệm chương để ghi ơn những người đã có công lao đóng góp vào sự thành công của các cuộc bình chọn khi ấy. Tôi vinh dự được Tổng Biên tập phân công vào tận nhà riêng Anh Hai Nghĩa ở Bến Tre để trao Kỷ niệm chương cho Anh.

Trong cuộc trò chuyện với Anh, chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm rất lớn của anh đến ngành Tư pháp, đến đội ngũ Luật sư trong công cuộc cải cách tư pháp. Anh cũng nhắc nhiều kỷ niệm về Đại hội Đại biểu lần thứ nhất Thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam mà Anh đã trực tiếp tham gia, chỉ đạo.

Bộ com lê anh mặc trong ảnh là anh mới thay cho bộ quần áo làm vườn khi chúng tôi đến. Trước khi chụp ảnh, anh đùa bảo: Chờ anh thắt cravat, với Luật sư mình luôn phải chỉn chu!

Vĩnh biệt Anh Hai, một nhà Lãnh đạo đáng kính, một con người bình dị!

Thạc sĩ Đặng Ngọc Luyến

Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam 

Nguyên Phó Tổng Biên tập thường trực Báo Pháp luật Việt Nam

 

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng - Người quan tâm và trách nhiệm với giới Luật sư

Từ năm 2006-2011, ông Trương Vĩnh Trọng với tư cách là Phó Thủ tướng phụ trách nội chính, gắn bó với các ngành trong nội chính, trong đó có Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ông luôn có sự quan tâm sâu sát đối với các hoạt động của Liên đoàn.

Tại kỳ Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đến dự. Trong kỳ Đại hội đó, tuy rất bận rộn nhưng ông vẫn dành thời gian dự cho đến lúc bế mạc. Điều này thể hiện rõ sự quan tâm và trách nhiệm rất cao của ông đối với hoạt động của giới Luật sư.

Mặc dù, ông là người giữ chức vụ cao nhưng vô cùng giản dị và gần gũi với quần chúng và những người xung quanh. Đây là một trong những điều mà ông làm cho rất nhiều người dân quý mến, đặc biệt là giới Luật sư.

Sự nghiệp và những cống hiến của nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng sẽ mãi được ghi nhớ trong lòng mỗi người dân Việt Nam nói chung và giới Luật sư nói riêng.

Cách đây 2 tháng, tôi đã gặp và nói chuyện với ông, thấy sức khỏe ông cũng đã phục hồi, nói rất nhiều chuyện và vẫn rất quan tâm đến tình hình nội chính nói chung. Hôm nay, nghe tin ông mất, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc cùng gia đình ông.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa

Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM

 

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng - Một người có tư tưởng rất cởi mở

Bà Đỗ Hoàng Yến, nguyên Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp chia sẻ, bà cảm thấy rất may mắn khi có một khoảng thời gian được làm việc cùng với ông Trương Vĩnh Trọng trong thời gian ông giữ cương vị Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Ông luôn dành sự quan tâm, ủng hộ đặc biệt đối với hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung và hoạt động nghề nghiệp của Luật sư nói riêng. Trong đó, nổi bật nhất là việc tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời của Liên đoàn Luật sư Việt Nam vào năm 2009. Luật sư Việt Nam đã có một tổ chức thống nhất trên toàn quốc, đại diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Có thể nói rằng, kể từ thời điểm này, vai trò, vị trí của Luật sư trong xã hội đã được nâng lên đáng kể so với trước đó, góp phần vào việc bảo vệ pháp luật xã hội chủ nghĩa, công lý và công bằng xã hội.

Bà Đỗ Hoàng Yến vẫn còn nhớ như in những tháng đầu tiên khi ông Trương Vĩnh Trọng trực tiếp phụ trách việc xây dựng và thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ông rất ủng hộ khi Bộ Tư pháp báo cáo các công việc liên quan đến sự ra đời của Liên đoàn Luật sư. Ông Trương Vĩnh Trọng là một người có tư tưởng rất cởi mở. Trước đây, việc ra đời một tổ chức xã hội nghề nghiệp lớn như Liên đoàn Luật sư Việt Nam là một việc có phần nhạy cảm, thậm chí có ý kiến còn e ngại. Tuy nhiên, với tư tưởng cải cách, đổi mới, ông đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và ủng hộ rất nhiệt tình sự thành lập tổ chức xã hội nghề nghiệp toàn quốc của Luật sư.

Bà Đỗ Hoàng Yến kể lại, bà rất nhớ 3 ngày diễn ra Đại hội Luật sư, ngày nào Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng có mặt từ rất sớm. Trước sự phức tạp của tình hình Luật sư lúc đó, sự hiện diện của ông như một sự bảo đảm và cam kết Đại hội sẽ diễn ra thành công tốt đẹp. Sự ra đời của Liên đoàn Luật sư Việt Nam là một dấu mốc trọng đại trong tiến trình cải cách tư pháp của Việt Nam, là tiền đề quan trọng cho sự phát triển lớn mạnh của đội ngũ Luật sư ngày nay, trong đó không thể không kể lớn công lao to lớn của ông.

Bà Đỗ Hoàng Yến cũng bày tỏ sự kính trọng với ông. Bà kể về những lần bà và một số đồng nghiệp ở Bộ Tư pháp được ông mời về nhà ăn cơm, bữa cơm luôn có món bánh xèo và tép rang mà bà nhớ mãi. Với bà Đỗ Hoàng Yến, ông là một người lãnh đạo trí tuệ, bản lĩnh, có tư tưởng thời đại nhưng cũng rất khiêm nhường, giản dị và vô cùng đáng kính. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn cho những cán bộ, công chức ngành tư pháp và đội ngũ Luật sư Việt Nam…

Đỗ Hoàng Yến

Nguyên Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp

Bộ Tư pháp

 

CÂU ĐỐI VIẾNG ANH HAI NGHĨA:

Còn đương chức, quan cũng như dân, giản dị chân thành, tên Vĩnh Trọng sáng ngời danh Hai Nghĩa.

Lúc về hưu, chủ không cần tớ, khoan hòa khiêm tốn, làm Lão Nông rạng rỡ chữ Đức Nhân.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm

Ủy viên Ban Thường vụ

Liên đoàn Luật sư Việt Nam

 

Đồng chí Trương Vĩnh Trọng là Ủy viên Bộ Chính trị Khóa X; Bí thư Trung ương Đảng Khóa IX, X; Ủy viên Trung ương Đảng Khóa VI (dự khuyết), VII, VIII, IX, X. Đồng chí giữ cương vị Phó Thủ tướng từ tháng 6/2006 đến tháng 8/2011; là đại biểu Quốc hội Khóa VIII, XI.

BBT

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng từ trần

Lê Minh Hoàng