Thông tư này hướng dẫn thi hành Điều 41 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Các nội dung khác về cơ chế APA được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Thông tư nêu rõ các nguyên tắc áp dụng APA, cụ thể APA được áp dụng trên nguyên tắc cơ quan thuế và người nộp thuế hoặc cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế đối tác và người nộp thuế cùng hợp tác, trao đổi, đàm phán về việc áp dụng các quy định pháp luật về thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các giao dịch liên kết thuộc phạm vi APA phù hợp với các nguyên tắc giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế.
Việc áp dụng APA nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế, xác định giá giao dịch liên kết của người nộp thuế phù hợp với nguyên tắc phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế để xác định bản chất giao dịch liên kết, nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của người nộp thuế như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập và ngăn ngừa việc đánh thuế trùng và trốn lậu thuế, giảm thiểu tranh chấp về xác định giá của giao dịch liên kết.
Đề nghị áp dụng APA của người nộp thuế được giải quyết trên cơ sở hồ sơ với các tài liệu, thông tin cần thiết theo quy định tại khoản 3 Điều 41 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP do người nộp thuế cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực, kịp thời.
Việc phân tích, so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập và phương pháp được sử dụng để so sánh, xác định giá của giao dịch liên kết thuộc phạm vi áp dụng của APA được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP .
Việc áp dụng cơ chế APA phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc được quy định tại khoản 6 Điều 42 Luật Quản lý thuế.
Về hiệu lực APA, APA đã ký kết sẽ có hiệu lực thi hành bắt buộc với cơ quan thuế và người nộp thuế. Thời gian có hiệu lực của APA đã ký kết tối đa là 03 năm tính thuế nhưng không vượt quá số năm thực tế người nộp thuế đã hoạt động sản xuất kinh doanh và kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/8/2021, thay thế Thông tư số 201/2013/TT-BTC ngày 20/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc áp dụng Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế.
PHƯƠNG HOA