Ảnh minh họa.
Cụ thể, tại Điều 28, Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định về nguyên tắc bồi thường bảo hiểm nêu rõ, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện xem xét, giải quyết bồi thường bảo hiểm theo quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và theo nguyên tắc sau:
- Khi xảy ra tổn thất, bên mua bảo hiểm lập tức thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm bằng các phương tiện thông tin liên lạc, sau đó trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày xảy ra tổn thất đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm;
- Số tiền bồi thường bảo hiểm đối với tài sản bị thiệt hại không vượt quá số tiền bảo hiểm của tài sản đó (đã được thỏa thuận và ghi trong hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm) trừ đi mức giảm trừ bảo hiểm quy định tại khoản 3, Điều 28, Nghị định 67/2023/NĐ-CP;
- Giảm trừ tối đa 20% số tiền bồi thường bảo hiểm trong trường hợp cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ không thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn các kiến nghị tại Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan Công an có thẩm quyền, dẫn đến tăng thiệt hại khi xảy ra cháy, nổ.
Về hồ sơ bồi thường bảo hiểm cháy nổ bắt buộc thì theo Điều 29, Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định bao gồm các tài liệu sau:
(1) Văn bản yêu cầu bồi thường của bên mua bảo hiểm;
(2) Tài liệu liên quan đến đối tượng bảo hiểm, bao gồm: Hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm;
(3) Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Công an có thẩm quyền tại thời điểm gần nhất thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm (bản sao);
(4) Biên bản giám định của doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền;
(5) Vản bản kết luận hoặc thông báo về nguyên nhân vụ cháy, nổ của cơ quan có thẩm quyền (bản sao) hoặc các bằng chứng chứng minh nguyên nhân vụ cháy, nổ;
(6) Bản kê khai thiệt hại và các giấy tờ chứng minh thiệt hại;
Bên mua bảo hiểm có trách nhiệm thu thập và gửi doanh nghiệp bảo hiểm các tài liệu 1, 2, 3, 5, 6. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập tài liệu 4.
TRẦN QUÝ