/ Kinh tế - Pháp luật
/ Nguyên tắc quản lý, điều tiết giá của Nhà nước

Nguyên tắc quản lý, điều tiết giá của Nhà nước

23/07/2023 11:18 |

(LSVN) - Luật Giá 2023 được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Trong đó, có quy định rõ về nguyên tắc quản lý, điều tiết giá của Nhà nước.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, tại Điều 5, Luật Giá 2023 về nguyên tắc quản lý, điều tiết giá của Nhà nước quy định, việc quản lý, điều tiết giá theo cơ chế thị trường phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; bảo đảm công khai, minh bạch, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và Nhà nước.

Đồng thời, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững; thúc đẩy xã hội hóa hoạt động cung cấp dịch vụ công; có chính sách về giá phù hợp với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó theo quy định hiện hành tại Điều 5, Luật Giá 2012 quy định về nguyên tắc quản lý giá như sau:

- Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật;

- Nhà nước thực hiện điều tiết giá theo quy định của Luật này để bình ổn giá; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước;

- Nhà nước có chính sách về giá nhằm hỗ trợ khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

- Nhà nước quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá phù hợp với nguyên tắc của nền kinh tế thị trường.

Ngoài ra, tại Luật Giá 2023 này cũng đã sửa đổi, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá. Cụ thể, theo Điều 7, Luật Giá 2023 về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá đưuọc quy định như sau:

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giá, thẩm định giá; người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng thuộc cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giá, thẩm định giá:
 
- Can thiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật vào việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá và tổ chức, cá nhân hoạt động thẩm định giá;
 
- Cố tình tiết lộ, sử dụng thông tin về giá do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp không đúng quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
 
- Mua chuộc, hối lộ; câu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.
 
Đối với tổ chức, cá nhân:
 
- Loan tin, đưa tin không đúng sự thật, không chính xác về tình hình kinh tế - xã hội gây nhiễu loạn thông tin thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ;
 
- Gian lận về giá bằng cách cố ý thay đổi các nội dung đã cam kết trong các giao dịch mà không thông báo trước với khách hàng về thời gian, địa điểm, điều kiện mua, bán, phương thức vận chuyển, thanh toán, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm giao hàng, cung ứng dịch vụ;
 
- Lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi;
 
- Cản trở hoạt động quản lý, điều tiết giá, thẩm định giá của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
 
- Làm, cung cấp chứng thư thẩm định giá giả hoặc sử dụng chứng thư thẩm định giá giả cho mục đích quy định tại khoản 4, Điều 55 của Luật này;
 
- Làm, cung cấp chứng thư thẩm định giá khi không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá hoặc sử dụng chứng thư đó cho mục đích quy định tại khoản 4, Điều 55 của Luật này; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá khi không là thẩm định viên về giá;
 
- Mua chuộc, hối lộ; câu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.
 
Đối với doanh nghiệp thẩm định giá:
 
- Hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh; thông tin không chính xác về trình độ, kinh nghiệm và khả năng cung cấp dịch vụ của thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá;
 
- Cung cấp dịch vụ thẩm định giá cho người có liên quan với doanh nghiệp thẩm định giá theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
 
- Kê khai không chính xác, không trung thực, giả mạo hồ sơ đăng ký cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, hồ sơ đăng ký hành nghề của thẩm định viên về giá;
 
- Phát hành khống chứng thư thẩm định giá;
 
- Mua chuộc, hối lộ; câu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.
 
Đối với thẩm định viên về giá:
 
- Thông tin không chính xác, không trung thực về trình độ, kinh nghiệm và khả năng cung cấp dịch vụ của thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá;
 
- Giả mạo, cho thuê, cho mượn, sử dụng thẻ thẩm định viên về giá trái với quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
 
- Lập chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá với tư cách cá nhân;
 
- Ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá không đúng với lĩnh vực chuyên môn, thông báo của cơ quan Nhà nước về lĩnh vực được phép hành nghề; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá khi không đáp ứng các điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá quy định tại khoản 1, Điều 45 của Luật này;
 
- Thực hiện thẩm định giá cho người có liên quan với doanh nghiệp thẩm định giá theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
 
- Lập khống báo cáo thẩm định giá, các tài liệu liên quan đến hoạt động thẩm định giá theo quy định của Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;
 
- Mua chuộc, hối lộ; câu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.
 
Đối với hội đồng thẩm định giá:
 
- Chỉ đạo, can thiệp vào hoạt động thẩm định giá làm ảnh hưởng đến tính độc lập về chuyên môn của thành viên hội đồng thẩm định giá nhằm vụ lợi;
 
- Lập khống thông báo kết quả thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá;
 
- Mua chuộc, hối lộ; câu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.
 
Đối với thành viên hội đồng thẩm định giá:
 
- Lập khống các tài liệu liên quan đến hoạt động thẩm định giá theo quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;
 
- Mua chuộc, hối lộ; câu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.
 
Đối với khách hàng thẩm định giá và bên thứ ba có tên trong hợp đồng thẩm định giá:
 
- Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về tài sản thẩm định giá;
 
- Sử dụng chứng thư thẩm định giá đã hết hiệu lực; sử dụng chứng thư thẩm định giá không theo đúng mục đích thẩm định giá gắn với tài sản thẩm định giá, số lượng tài sản thẩm định giá tại hợp đồng thẩm định giá;
 
- Mua chuộc, hối lộ; câu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.
 
Cơ quan, tổ chức, cá nhân ban hành văn bản có các hình thức, điều kiện nhằm hạn chế hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá trái quy định của Luật này.
 
Luật Giá 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

QUÝ TRẦN

Những huyện, xã thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2030

Nguyễn Hoàng Lâm