/ Bút ký Luật sư
/ Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: “Mình tìm cậu mãi…”

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: “Mình tìm cậu mãi…”

05/01/2021 17:50 |

LSVNO - Trước đây, khi còn công tác ở Báo Đối ngoại Vietnam Economic News (Cơ quan ngôn luận của Bộ Thương mại, sau này sáp nhập với Báo Công Thương), tôi thường được phân công tham dự, đưa tin...

LSVNO - Trước đây, khi còn công tác ở Báo Đối ngoại Vietnam Economic News (Cơ quan ngôn luận của Bộ Thương mại, sau này sáp nhập với Báo Công Thương), tôi thường được phân công tham dự, đưa tin ở nhiều sự kiện và tại các kỳ họp Quốc hội.

Là phóng viên và với sự xông xáo của tuổi trẻ nên việc được đi nhiều, mở rộng quan hệ nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao khi ấy với tôi là điều vô cùng thích thú. Nhưng điều thú vị là do có những người bạn đang công tác tại các cơ quan ở Trung ương nên việc lấy tin, tiếp cận các vị lãnh đạo của tôi lúc bấy giờ có vẻ thuận lợi và dễ dàng hơn so với nhiều đồng nghiệp khác.

Giản dị, dễ gần nhưng vô cùng sát sao với công việc là điều thường thấy ở nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Vào đầu những năm 2000, các phiên họp Quốc hội đều diễn ra ở Hội trường Ba Đình (vị trí cũ của Nhà Quốc hội hiện nay), điều kiện tác nghiệp, gặp gỡ giữa cánh báo chí với các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước hay Đại biểu Quốc hội có lẽ không khó như bây giờ. Trừ những phiên họp kín hoặc có tính nội bộ, còn lại các phóng viên được ra vào chụp ảnh, phỏng vấn khá thoải mái, kể cả tại các buổi thảo luận hay họp riêng của các Đoàn. Thường thì tại các phiên họp, phóng viên có 5 phút để chụp ảnh khi bắt đầu hoặc cuối các buổi khai mạc, bế mạc; được ra vào chụp ảnh, phỏng vấn tại các phiên thảo luận…. Nhưng, có lẽ thoải mái hơn cả với chúng tôi là những lúc nghỉ giữa giờ họp. Số là, mỗi kỳ họp kéo dài khoảng một tháng, mỗi buổi họp (sáng, chiều), các đại biểu có khoảng 20 phút nghỉ giữa giờ. Chính quãng thời gian 20 phút nghỉ đó và với điều kiện lúc ấy là “thời điểm vàng” để chúng tôi gặp gỡ, phỏng vấn, chụp ảnh các VIP. Và, nhờ vậy, tôi đã được gần gũi, tác nghiệp với khá nhiều các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước cũng như nhiều nhân vật nổi tiếng – điều mà nếu bình thường chỉ có thể đứng ngắm từ xa hoặc đăng ký, chờ đợi.

Như đã nói, do được tiếp cận với các vị lãnh đạo, thấy không mấy khó khăn nếu đưa ra những đề xuất phù hợp nên tôi mạnh dạn nêu ý kiến với Tổng biên tập Báo Đối ngoại Vietnam Economic News (VEN) lúc ấy là ông Trần Vệ: “Tết này báo mình nên có thư chúc tết của Thủ tướng chú ạ”. Nghe vậy, ông Vệ có vẻ bất ngờ và nhìn tôi nghi ngại: “Được thế thì còn gì bằng. Nhưng liệu có được không, vì Thủ tướng bao nhiêu việc, thủ tục phức tạp lắm đấy…”. Nghe vậy, tôi quả quyết: “Cháu sẽ cố gắng, nhưng chắc ổn thôi”, dù biết sự nghi ngại của Tổng biên tập là hoàn toàn có thật. Nhân đây cũng xin nói thêm, Báo Đối ngoại VEN của chúng tôi khi đó mới được thành lập chưa lâu. VEN vốn dĩ được sáp nhập từ 3 đơn vị: Vietnam Economic News, Vietnam Business (hai ấn phẩm này thuộc Trung tâm Thông tin Thương mại – Bộ Thương mại), VR (ấn phẩm phụ của Tạp chí Thương mại) – 3 ấn phẩm đều phát hành bằng tiếng Anh – để trở thành cơ quan ngôn luận thuộc Bộ Thương mại theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Thương mại vào tháng 11/1999 (trên thực tế chỉ có Vietnam Economic News và Vietnam Business hợp nhất). Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân nên phải đến ngày 1/3/2001 ấn phẩm đầu tiên của VEN mới chính thức được phát hành. Ban đầu, VEN là “tạp chí” và nó chính thức được “nâng cấp” trở thành “tuần báo” gồm 2 ấn phẩm Vietnam Economic News (tiếng Anh) và Kinh tế Việt Nam (tiếng Việt) vào giữa năm 2002. Các ấn phẩm của VEN vốn dĩ khá nổi tiếng do tham gia tuyên truyền bằng tiếng Anh, xuất hiện từ sớm trên Vietnam Airliner,… tuy nhiên không phải ai cũng biết, nhất là sau khi được “nâng cấp” thành cơ quan thuộc Bộ Thương mại (sau này là Bộ Công Thương). Ngoài ra, việc tiếp cận Thủ tướng để “xin” thư chúc tết quả là khó, chưa kể ý kiến đề xuất này lại do một phóng viên suốt ngày chạy như "cờ lông công", thì e ngại của ông Vệ là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Để thực hiện ý định của mình, tại buổi họp Quốc hội ngày hôm sau, tôi bắt đầu chú ý đến… Thủ tướng Phan Văn Khải. Cơ hội nhanh chóng ập đến khi giữa giờ giải lao hôm ấy, nhác thấy ông bước ra khỏi Hội trường, chờ để ông bắt tay trò chuyện với các đại biểu xong, tôi liền tiếp cận. Sau một vài câu chào hỏi, giới thiệu đôi nét về VEN (tất nhiên nói ngắn về sự mới mẻ và nhấn vào bản tiếng Anh), tôi liền đề xuất: “Tết này báo của chúng cháu rất muốn được chú quan tâm và có thư chúc tết của chú để đăng trang trọng trên số đặc biệt sắp tới”. Ông nhìn tôi cười hiền: “Thư chúc tết thì đã có của Chủ tịch nước rồi. Mình làm liệu có phù hợp không?”. Được thể, tôi lấn tới: “Vâng, thư của Chủ tịch nước thì năm nào cũng có, nhưng đó là thư chung gửi nhân dân cả nước. Còn báo chúng cháu là báo đối ngoại, các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư trong và ngoài nước đang rất quan tâm đến hoạt động kinh tế của mình lúc này. Thư của Thủ tướng đăng trên báo cháu là rất hay. Điều này không những thể hiện sự quan tâm của Thủ tướng về thúc đẩy phát triển, hội nhập kinh tế mà còn là vinh dự với những người làm báo như chúng cháu”. Một chút nghĩ ngợi, ông bảo: “Nhưng thư như vậy thì viết ra sao?”. Chỉ chờ có vậy, tôi liền trả lời: “Cái đó tùy chú, nhưng theo cháu thì cũng nên ngắn gọn và có bút tích của chú thì tuyệt quá”. “Ờ, vậy để chú xem nghe” – ông trả lời.

Có thể do thiếu kinh nghiệm hoặc do vội vàng nên việc đề nghị này với Thủ tướng sau đó khiến tôi rất áy náy. Bởi, thường thì muốn có thư như vậy, các tổ chức, cơ quan phải có văn bản đề nghị kèm theo dự thảo thư rồi thông qua Văn phòng Chính phủ, Trợ lý của Thủ tướng,... đàng này tôi lại nêu ra một cách chung chung. Dù có phần lo lắng vì cách làm của mình và chưa dám tin sẽ được Thủ tướng quan tâm do ông có hằng trăm công ngàn việc, nhưng sau đó tôi phải đi công tác. Sát ngày bế mạc kỳ họp Quốc hội cuối năm, gặp Tổng biên tập Trần Vệ ở Tòa soạn, ông hỏi: “Báo lên khuôn rồi, có thư của Thủ tướng không đây?”. Lúc này tôi cũng chột dạ, nhưng vẫn vò đầu chống chế: “Thì mấy hôm vừa rồi cháu đi công tác, để chiều cháu vào Quốc hội chú ạ”. Dù đã chuẩn bị để tìm cơ hội gặp Thủ tướng, nhưng chiều đó khi tôi đến Hội trường Ba Đình cũng đã trôi qua mất “20 phút vàng ngọc” nên đành lang thang xuống căng–tin ngồi đợi. Chỉ chờ tiếng chuông báo kết thúc buổi họp, tôi đã đứng sẵn trước hành lang tòa nhà hồi hộp dõi theo Thủ tướng Phan Văn Khải chậm rãi bước ra từ hàng ghế đầu. Lúc ấy, ông mặc chiếc áo Vest màu be vàng, quần màu tối, tay xách một chiếc cặp da màu vàng sẫm. Tiến lại gần bên ông, tôi nhanh nhảu: “Cháu chào chú”. Như chỉ chờ có vậy, ông quay sang vỗ nhẹ lên vai tôi, cười hiền: “Ờ, đây rồi. Mấy hôm nay, mình tìm cậu mãi…”. Tôi lại vò đầu và nói lý do đi công tác, trong khi ông tiến lại chiếc bàn sát đó, rút từ chiếc cặp da lấy ra 2 tờ giấy A4 đã được ghi chữ sẵn, rồi ông bảo: “Cháu xem như vậy được không?”. Quá bất ngờ vì trong 2 tờ giấy A4 đó đều có nội dung chúc mừng năm mới kèm chữ ký do chính tay ông viết để cho chúng tôi đăng báo, tôi ngây ngô: “Thế này là tốt quá rồi chú ạ. Nhưng ở đây có 2 tờ?”. Ông cười hiền – nụ cười mộc mạc, tình cảm vẫn thường thấy ở ông: “Thì chú cứ làm sẵn hai cái vậy, tùy các cháu lựa chọn cái nào để sử dụng cho phù hợp là được”. Đến lúc đó, tôi chỉ còn biết nói lời cảm ơn, bắt tay ông xong là vội “phóng” xe ngay về Tòa soạn.

Về đến 76 Nguyễn Trường Tộ, Hà Nội (Trụ sở Tòa soạn VEN từ năm 2002 đến 2013), tôi liền lao lên tầng 3, gõ cửa phòng Tổng biên tập. May sao lúc này ông Vệ vẫn đang ở cơ quan, thế là tôi chìa 2 tờ giấy được viết tay của Thủ tướng Phan Văn Khải ra, hào hứng: “Báo cáo Tổng biên tập, cháu đã hoàn thành nhiệm vụ”. Tôi nhớ, lúc đó ông Vệ khá vui, và có nói với tôi: “Tốt. Như vậy là số Tết này báo mình có thư của Thủ tướng để đăng. Nhưng, bác Khải đưa 2 bản thế này thì đăng cái nào?”. Tôi kể lại câu chuyện trước đó với Thủ tướng, nói là do mình tự chọn, ông yên tâm và nói: “Thế thì được, để chú chuyển sang Ban biên tập để làm ngay cho kịp”. Sau mười mấy năm, tôi cũng không còn nhớ VEN đã sử dụng nội dung nào trong hai bản chúc Tết mà Thủ tướng Phan Văn Khải chuyển cho tôi đăng ở VEN năm ấy, nhưng tôi biết chắc chắn nội dung lời chúc Tết không dài do chính Thủ tướng ghi và được đăng trên cả 2 ấn phẩm (tiếng Việt và tiếng Anh).

Với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, tôi còn có những kỷ niệm khác, nhưng tại Quốc hội, có lẽ lần chụp ảnh cho ông cùng Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Dương Công Đá cũng là chuyện đáng nhớ. Hôm đó, cũng vào giờ giải lao giữa buổi họp, khi tôi đang đeo máy ảnh tòng teng từ căng–tin trở lên phía Hội trường thì thấy Thủ tướng Phan Văn Khải và các đại biểu đi ngược xuống. Lúc này, anh Dương Công Đá (Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn) tiến lên sát Thủ tướng và vẫy tôi: “Phóng viên chụp cho tớ tấm ảnh kỷ niệm với Thủ tướng”. Thú thực lúc ấy tôi không biết anh Đá và đang lo tác nghiệp nên vội đề nghị hai người xoay qua một chút để lấy hậu cảnh rồi chụp luôn 2 kiểu. Thời điểm đó, tôi đang dùng máy cơ Plaktica, phim sau khi chụp phải phóng ảnh, nhưng khi có ảnh tôi vẫn để ở phòng làm việc. Sau đó, một đồng nghiệp của tôi biết chuyện, có việc đến công tác tại Lạng Sơn, anh ngỏ ý xin tôi tấm ảnh đó để tặng ông Bí thư tỉnh này. Tấm ảnh được anh ấy phóng to cỡ A4, có lồng khung đem tặng anh Đá và nghe nói được anh Đá rất quý.

Đến nay, sau mười lăm năm có lẻ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã xin nghỉ công tác từ lâu, còn tôi cũng đã trải qua nhiều công việc khác nhau, nhưng kỷ niệm về một vị Thủ tướng giản dị, luôn tâm huyết với công tác và vô cùng gần gũi với mọi người vẫn luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi.

 

Luật sư Liêu Chí Trung

(tác giả nguyên là Phó Trưởng ban Biên tập, Trưởng Cơ quan đại diện Báo Đối ngoại VEN tại miền Trung)