Ảnh minh hoạ.
Chiều nay ngày 19/8, tiếp tục phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Điện lực sửa đổi. Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi gồm 9 chương, 121 điều, có nhiều điểm mới. Đáng chú ý, dự thảo Luật Điện lực sửa đổi đã đề cập tới phát triển điện hạt nhân.
Theo đó, điện hạt nhân là một trong số loại điện năng lượng mới. Nhà nước sẽ độc quyền trong đầu tư xây dựng các dự án nhà máy điện loại này, bên cạnh độc quyền về đầu tư nhà máy thủy điện đa mục tiêu và các dự án nguồn, lưới điện khẩn cấp, điều độ hệ thống điện.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH-CN&MT) cho rằng, Việt Nam có tiềm năng về phát triển điện hạt nhân và trong thời gian qua đã có những chuẩn bị bước đầu cơ bản. Trong bối cảnh thế giới đang quay trở lại đầu tư, phát triển mạnh mẽ điện hạt nhân, việc phát triển nguồn năng lượng này trở nên rất quan trọng. Mặt khác, điện hạt nhân được xem là một phương án quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng và đạt được mục tiêu net zero vào năm 2050, như cam kết của Chính phủ.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra, việc quy định về điện hạt nhân trong dự thảo luật cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, làm rõ các quy định với điện hạt nhân, cũng như nghiên cứu, quy định nguyên tắc trong luật này dẫn chiếu Luật Năng lượng nguyên tử. Bên cạnh đó, cần cung cấp căn cứ chính trị, cơ sở khoa học, công nghệ và kỹ thuật để hỗ trợ việc triển khai các dự án điện hạt nhân.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo cấp có thẩm quyền về mức độ quy định với phát triển điện hạt nhân. Đồng thời, bổ sung các quy định về hỗ trợ, quản lý rủi ro, quy định về an toàn và bảo vệ môi trường liên quan đến việc phát triển và vận hành các nhà máy điện hạt nhân...