/ Đời sống - Xã hội
/ Nhà sưu tập Lê Đắc Linh đấu giá nhiều bức tranh để hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19

Nhà sưu tập Lê Đắc Linh đấu giá nhiều bức tranh để hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19

20/05/2021 08:12 |

(LSVN) - Trong thời điểm dịch Covid-19 đang vô cùng căng thẳng, để góp sức vào công cuộc chống dịch, nhà sưu tập Lê Đắc Linh - chủ sở hữu của nhiều bức tranh sơn mài quý hiếm của họa sĩ Đoàn Văn Nguyên đã tổ chức những buổi đấu giá tranh online với mục đích gây quỹ thiện nguyện. Toàn bộ số tiền đấu giá sẽ được chuyển tới những đơn vị đang là tuyến đầu phòng chống dịch.

Tác phẩm “Mèo” được đấu giá thành công với giá 9.100USD.

Vào thời điểm dịch Covid-19 đang hoành hành và có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban MTTQ Việt Nam, toàn dân đồng lòng đồng sức, chung tay phòng chống dịch Covid-19, nhà sưu tập Lê Đắc Linh đã tổ chức những buổi đấu giá tranh online từ thiện gây quỹ góp phần vào việc chung tay đẩy lùi dịch Covid-19.

Cụ thể, vào ngày 16/5 vừa qua, nhà sưu tập Lê Đắc Linh đã tổ chức buổi đấu giá tranh online gây quỹ trên trang facebook cá nhân. Tác phẩm được đấu giá là bức tranh: “Mèo” (50cmx60cm) với chất liệu sơn mài truyền thống. Buổi đấu giá được diễn ra từ 10h00 và kết thúc lúc 22h00 cùng ngày. Với số tiền đấu giá 9.100USD, Công ty cổ phần dịch vụ quốc tế Minh Anh đã trở thành chủ sở hữu mới của bức tranh “Mèo”.

Tính đến ngày 17/5, tổng số tiền thu được từ buổi đấu giá tranh online đã lên đến 218.400.000 VNĐ. Cũng trong ngày hôm đó, nhà sưu tập Lê Đắc Linh với sự hỗ trợ của bạn bè là các bác sĩ đã mua vật tư đạt chuẩn và trực tiếp trao đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 10 máy lọc không khí cấp khí tươi chuyên dụng của Đại học Bách khoa nghiên cứu, sản xuất và 03 máy giặt có sấy loại 10kg với giá trị là 158.000.000 VNĐ; trao tặng CDC Bắc Giang, Bắc Ninh: Vật tư phòng dịch gồm khẩu trang y tế, khẩu trang N95, quần áo phòng hộ, dung dịch sát khuẩn với giá trị là 60.000.000 VNĐ.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đắc Linh chia sẻ: “Là một người từng tốt nghiệp thạc sĩ y khoa tại Đại học Y Hà Nội, bởi vậy, ngay khi nghe được thông tin về sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19, hơn ai hết tôi thấu hiểu được sự vất vả của các y, bác sĩ tại tuyến đầu chống dịch. Tôi rất mong muốn được góp một phần công sức của mình vào công cuộc đẩy lùi đại dịch cũng như gửi lời động viên tinh thần tới các cán bộ, y sĩ, bác sĩ đang ngày đêm chiến đấu. Mỗi tác phẩm nghệ thuật  được tạo ra để tô đẹp cho cuộc sống, đó cũng chính là động lực để tôi tổ chức những buổi đấu giá tranh gây quỹ hỗ trợ. Số tiền gây quỹ sẽ được chuyển tới những đơn vị, những khu vực đang là điểm nóng trong đợt bùng phát lần này”.

Trang thiết bị vật tư được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Tính đến ngày 19/5, ông đã tổ chức được 03 buổi đấu giá tranh online gây quỹ phòng chống dịch Covid-19 với tổng số tiền là 385.500.000 VNĐ. Nhà sưu tập Lê Đắc Linh đang tiếp tục tổ chức những buổi đấu giá tiếp theo. Theo kế hoạch của nhà sưu tập thì sẽ tổ chức 20 buổi đấu giá.

Thông qua buổi đấu giá, bên cạnh việc gìn giữ những tác phẩm văn hóa, lưu truyền cho thế hệ sau, nhà sưu tập còn góp phần lan tỏa những giá trị trân quý, tinh thần tương thân tương ái và nghĩa cử cao đẹp trong cộng đồng. Số tiền ủng hộ trên như một món quà, một lời động viên tinh thần đến các cán bộ y, bác sĩ vững tâm trên tuyến đầu chống dịch.

Bức tranh sơn mài “Mèo” là tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Đoàn Văn Nguyên (sinh năm 1947, con trai của cố thi sĩ Đoàn Văn Cừ).

Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên được những người trong giới nghệ thuật gọi là “họa sĩ tranh sơn mài đích thực” bởi thái độ lao động nghiêm túc, say mê, sự tỷ mỉ làm vóc, kiên trì trong từng công đoạn mài nhẵn, khéo léo với mỗi đường vẽ, nét sơn đối với dòng tranh này.

Tranh sơn mài của họa sĩ Đoàn Văn Nguyên có giá rất cao, có nhiều bức được trả tới cả trăm ngàn USD. Tranh sơn mài của ông đi theo hướng truyền thống, chất liệu thật trăm phần trăm. Để tôn trọng truyền thống bắt buộc họa sĩ phải vẽ bằng vàng, bằng bạc, các loại son… Làm một tấm vóc cũng phải đủ công phu, trải qua hom, bó, mài, thí… 15, 16 giai đoạn mới biến miếng gỗ trở nên đanh, bóng, bền như mặt đá. Thêm nữa, tranh của ông có giá cao cũng vì tên tuổi của ông trong làng tranh sơn mài, ông là tác giả của các giải thưởng nhà nước. Tuy nhiên, ông từng nói: “Tôi không nghĩ quá nhiều đến tiền, tiền bao nhiêu cũng tiêu hết. Văn hóa mới là vô giá”.

MINH ANH/SPL

Lê Minh Hoàng