Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật chủ trì Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo. Phiên họp tập trung thảo luận, cho ý kiến về: Xử lý vướng mắc, bất cập liên quan phân cấp, phân quyền, ủy quyền; rà soát văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp tố chức, bộ máy; trao đổi, thảo luận về một số vấn đề khác liên quan đến việc triển khai các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Qua rà soát đến nay, có tổng số hơn 5.000 văn bản chịu tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Trong đó, có hơn 2.800 văn bản liên quan thay đổi tên gọi của cơ quan, tổ chức, đơn vị; có gần 1.900 văn bản có nội dung cần xử lý ngay và hơn 300 văn bản có nội dung cần xử lý nhưng chưa cấp thiết. Với quan điểm phải bảo đảm hiệu quả, không hình thức, Thủ tướng cho rằng việc thực hiện rà soát các vướng mắc liên quan lĩnh vực đầu tư, tài chính, các nhiệm vụ cần phải thực hiện nhanh, ngay và luôn.
Từ kết quả của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV cho thấy chuyển biến rõ rệt trong công tác này, nhất là việc ban hành các luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành chính sách pháp luật. Điều này thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, góp phần giải phóng các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Qua đây, Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp đề xuất khen thưởng các bộ, ngành, cơ quan liên quan vì đã đầu tư rất nhiều công sức cho công tác này, động viên cán bộ "dám nghĩ dám làm". Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp rà soát lại, ban hành các chế độ chính sách, phụ cấp để động viên, bồi dưỡng cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật; khen thưởng những ai làm tốt, không chỉ trong lĩnh vực này mà còn trong những việc khác.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành phải nhanh chóng ban hành các văn bản để phục vụ tinh gọn bộ máy, bảo đảm "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", không để gián đoạn trong quá trình kiện toàn tổ chức bộ máy. Việc xây dựng chính sách pháp luật phải từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", "không biết mà vẫn quản". Đồng thời thực hiện phương châm "ai quản lý tốt nhất thì giao cho họ, cái gì người dân, doanh nghiệp làm được, làm tốt hơn thì dứt khoát không làm"...
Ngoài ra, trong tháng 1/2025, cần tổ chức thực hiện sửa bốn luật gồm Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp… Đồng thời cần đảm bảo nguyên tắc làm rõ quyền hạn, thẩm quyền, trách nhiệm của những người được phân cấp, phân quyền, giao quyền. Đây chính là động lực khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm; để những gì không cấm thì để không gian cho người dân, doanh nghiệp sáng tạo.