Tại thị trường Việt Nam, trong khoảng 5 năm trở lại đây, Công ty Lotte Chilsung Beverage đã hợp tác với hàng chục các doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao doanh số bán hàng đối với các sản phẩm về rượu như: rượu Chum Churum, Soonhari, Cheongha, Scotch Blue, rượu Phúc bồn từ núi Seonun, Soju Kyung-wol, Soju Tam-gun...
Sản phẩm rượu soju được các đơn vị, doanh nghiệp nhập khẩu phân phối tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp tại Việt Nam nhập khẩu rượu có xuất xứ Hàn Quốc phải kể đến như: Công ty TNHH Hitejinro Việt Nam (công ty 100% vốn của Hàn Quốc và là một trong 5 văn phòng đại diện của Tập đoàn HiteJinro toàn cầu, đơn vị nhập khẩu độc lập), Công ty TNHH MTV Dịch vụ D.S.L, Công ty TNHH Kim Phú, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Tiến Phát Thịnh, Công ty TNHH Thương Mại Hanaro Việt Nam, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Đặng Phú Qúy, Công ty CP xuất nhập khẩu An Sinh, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thực Phẩm Bình Minh, Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu Khánh Linh, Công ty TNHH Rượu Thế Giới…
Trong các doanh nghiệp nhập khẩu rượu có xuất xứ Hàn Quốc tại thị trường Việt Nam nói trên thì Công ty TNHH Hitejinro Việt Nam được biết đến là đơn vị có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất (kim ngạch khoảng 6 triệu USD/năm 2019), tiếp đến là Công ty TNHH MTV Dịch vụ D.S.L (kim ngạch khoảng hơn1 triệu USD/năm 2019), Công ty TNHH Kim Phú (kim ngạch khoảng gần 850 nghìn USD/năm 2019).
Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp phân phối sản phẩm rượu có xuất xứ Hàn Quốc có phản ánh đến Tạp chí Luật sư Việt Nam về tình trạng nghi vấn một số đơn vị đã gian lận giá trị hàng hóa nhập khẩu trong quá trình thông quan tại hải quan Việt Nam. Các sản phẩm chủ yếu như rượu Chum Churum Soju, rượu Whisky Scotch Blue… với thủ đoạn hợp thức hóa hồ sơ, chứng từ (Invoice, Packing list…), khai báo giá trị thấp hơn giá trị thực tế nhập khẩu.
Theo tài liệu mà phóng viên có được trong quá trình tiếp nhận thông tin, Công ty Lotte Chilsung Beverage áp giá các sản phẩm rượu xuất khẩu qua Việt Nam cho các đơn vị cụ thể như sau: rượu Chum Churum Soju, nồng độ 16,9%, dung tích 360 ml/chai *20 chai /thùng, có giá 10,70 USD/thùng; rượu Whisky Scotch Blue 12 Internationa, nồng độ 40% dung tích 450 ml*6 chai/thùng, giá 42 USD/thùng; rượu Whisky Scotch Blue 17 Years nồng độ 40% dung tích 450 ml*6 chai/thùng giá 84 USD/thùng; rượu Whisky Scotch Blue 21 Years nồng độ 40% dung tích 500 ml*6 chai/thùng giá 151 USD/thùng.
Tờ khai giá trị thật sản phẩm rượu được nhập từ Hàn Quốc, khai báo tại hải quan.
Tuy nhiên, trong quá trình nhập khẩu các sản phẩm này về Việt Nam một số doanh nghiệp đã điều chỉnh lại giá trị thấp hơn so với giá trị thực tế, như sau: rượu Chum Churum Soju, nồng độ 16,9 %, dung tích 360 ml/chai*20 chai /thùng, khai báo giá 10 USD/thùng (giảm 0,7 USD/thùng); rượu Whisky Scotch Blue 12 Internationa, nồng độ 40% dung tích 450 ml*6 chai/thùng, khai báo giá14USD/thùng (giảm 28 USD/thùng); rượu Whisky Scotch Blue 17 Years nồng độ 40% dung tích 450 ml*6 chai/thùng, khai báo giá 19 USD/thùng (giảm 65 USD/thùng); rượu Whisky Scotch Blue 21 Yearsnồng độ 40% dung tích 500 ml*6 chai/thùng, khai báo giá 35,22 USD/thùng (giảm 116 USD/thùng).
Tờ khai giá trị thấp hơn thực tế, nghi vấn gian lận?
Trước những nghi vấn một số doanh nghiệp có dấu hiệu kê khai giá trị hải quan của hàng hóa không đúng giá trị thực tế với nhà cung cấp Hàn Quốc (Công ty Công ty Lotte Chilsung Beverage), Tạp chí Luật sư Việt Nam đã liên hệ với Tổng cục Hải quan để làm rõ thông tin.
Trả lời Tạp chí Luật sư Việt Nam tại Văn bản số 2084/TCHQ-VP của Tổng cục Hải quan ngày 05/5/2021 đã cung cấp số liệu chung về tình hình xuất nhập khẩu mặt hàng rượu giữa Việt Nam-Hàn Quốc. Tổng cục Hải quan cũng cho biết trong thời gian này, cơ quan hải quan đang áp dụng hàng hoạt các giải pháp phòng, chống gian lận thuế trong hoạt đông xuất nhập khẩu theo quy đinh luật pháp nói chung, và đối với hoạt động nhập khẩu rượu từ Hàn Quốc nói riêng.
Qua tìm hiểu từ các nguồn thông tin, Tạp chí Luật sư Việt Nam được biết Tổng cục Hải quan đã và đang thực hiện chuyên đề kiểm tra trị giá hải quan của mặt hàng rượu nhập khẩu, trong đó có rượu nhập khẩu từ Hàn Quốc (đặc biệt là các doanh nghiệp có giá trị kim ngạch nhậ khẩu lớn như: Công ty TNHH Hitejinro Việt Nam; công ty TNHH Kim Phú; Công ty TNHH MTV Dịch vụ D.S.L..). Các biện pháp kiểm tra được tiến hành ở các khâu trước thông quan, trong thông quan, và sau thông quan, thậm chí thực hiện thanh tra chuyên ngành, phối hợp với cơ quan thuế nội địa (Tổng cục Thuế và các Cục Thuế địa phương) và hợp tác quốc tế với hải quan Hàn Quốc để mở rộng nguồn thông tin đối chiếu chéo.
Đối với nguồn thông tin trong nước, Tổng cục Hải quan đã gửi danh sách một số doanh nghiệp có mức độ rủi ro gian lận cao, đề nghị Tổng cục Thuế giám sát, không để doanh nghiệp lợi dụng, đóng mã số thuế, “biến mất” trước khi cơ quan hải quan có kết quả kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế của hàng hóa nhập khẩu. Đối với hoạt động hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan đã gửi thông tin đề nghị hải quan Hàn Quốc xác minh xem doanh nghiệp nhập khẩu có khai báo trùng khớp với thông tin khai báo xuất khẩu ở Hàn Quốc hay không?
Vậy thực sự có hay không việc một số doanh nghiệp kê khai giá trị hải quan của hàng hóa không đúng giá trị thực tế với nhà cung cấp Hàn Quốc (Công ty Lotte Chilsung Beverage)? Chuyên đề kiểm tra rượu nhập khẩu trước những nghi vấn gian lận của một số doanh nghiệp mà Tổng cục Hải quan thực hiện bao giờ có kết quả, công khai dư luận, đảm bảo quyền lợi các doanh nghiệp, tuân thủ các quy định luật pháp, xử lý nghiêm các hành vi gian lận đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm (nếu có).
VƯƠNG HƯỞNG
Cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt