Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima năm 2021. Ảnh: Kyodo.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Chính phủ Nhật Bản cũng cân nhắc kéo dài tuổi thọ hoạt động của các lò phản ứng đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn mới từ 40 năm hiện nay lên 60 năm. “Chính phủ sẽ đi đầu trong đề ra các biện pháp khác nhau để khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân của chúng ta”, Thủ tướng Fumio Kishida nhấn mạnh tại cuộc họp của Hội đồng Chuyển đổi Xanh của chính phủ vào hôm 24/8.
Toàn bộ 54 lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản đã phải đóng cửa sau thảm họa tại nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi hồi tháng 3/2011. Nhà máy này đã bị tê liệt sau trận động đất có độ lớn 9 cùng một loạt cơn sóng thần cao tới 40 mét xảy ra sau đó. Sau khi nâng cấp, 10 lò phản ứng đã trở lại trạng thái hoạt động, trong đó 7 lò nữa dự kiến sẽ phát điện trở lại vào mùa hè năm 2023. Chính phủ hy vọng các nhà máy điện hạt nhân sẽ cung cấp tới 20% năng lượng quốc gia vào năm 2030.
Ông Kazuto Suzuki, Giáo sư chính sách khoa học và công nghệ tại Đại học Tokyo, cho biết: “Nếu kế hoạch này được triển khai, tôi không nghĩ có quá nhiều người sẽ ngạc nhiên về sự thay đổi chính sách của chính phủ. Khi được bổ nhiệm làm thủ tướng, ông Kishida đã bày tỏ ý định xem xét phát triển một loại lò phản ứng hạt nhân mới để đáp ứng nhu cầu năng lượng của quốc gia”.
Trong số các công nghệ mới đang được xem xét, lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) có thể sẽ là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản. SMR là lò phản ứng có sản lượng điện dưới 300.000 kilowatt, thấp hơn nhiều so với 1 triệu kilowatt do lò phản ứng thông thường tạo ra. SMR nhỏ hơn đáng kể so với các lò phản ứng thông thường và vì nhiên liệu hạt nhân tỏa ra ít nhiệt hơn nên lò dễ làm mát hơn. Theo giới chuyên gia, SMR sẽ làm giảm khả năng xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Chi phí xây dựng và đi vào hoạt động của loại lò này cũng tương đối rẻ.
Giới chuyên gia đề xuất nên xây dựng các lò SMR dưới lòng đất để cung cấp năng lượng cho thành phố và các khu vực xung quanh.
“Vấn đề lớn hơn là các lò phản ứng này sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng và ổn định nguồn cung năng lượng của quốc gia. Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, chúng tôi nhận thấy nguồn cung năng lượng của Nhật Bản bị đe doạ nghiêm trọng. Ngoài ra, người dân sẽ không thể chịu đựng những đợt tăng giá cao trong thời gian dài”, ông Suzuki bình luận.
Dù thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011 vẫn còn ám ảnh tâm trí của người dân Nhật Bản, nhưng khi quốc gia ít tài nguyên này đang đứng bên bờ vực khủng hoảng năng lượng, hầu hết mọi người đều hiểu rằng họ cần nhiều năng lượng hơn khi bước vào mùa đông.
Các nghiên cứu cho thấy người dân Nhật Bản đã bớt lo lắng về việc tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân. Cuộc thăm dò do Yahoo Japan thực hiện hồi tháng 7 chỉ ra 74% người được hỏi đồng ý rằng các nhà máy hạt nhân cần phải hoạt động trở lại. Trong khi đó, một thập kỷ trước, trên 80% người dân không muốn phát triển năng lượng nguyên tử ở Nhật Bản.
“Vấn đề lúc này là liệu nỗi sợ về một thảm hoạ khác có lớn hơn nỗi sợ cạn kiệt năng lượng hay không. Nếu công nghệ mới được chứng minh là an toàn, hiệu quả và tốt hơn các công nghệ được sử dụng trong các lò phản ứng ở Nhật Bản hiện nay, người dân sẽ ủng hộ kế hoạch mới”, ông Suzuki nói.
Các chuyên gia cho hay ngoài sự ủng hộ từ những người lo ngại chi phí năng lượng tăng cao, Thủ tướng Kishida cũng có thể kêu gọi hỗ trợ từ các lĩnh vực công nghiệp và kinh doanh. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng có thể khẳng định cam kết của chính phủ đối với lò phản ứng SMR và các công nghệ hạt nhân tiên tiến tiềm năng khác chính là lợi ích của quốc gia. Đây có thể là cơ hội để các nhà phát triển Nhật Bản vươn xa hơn trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều bị bị thuyết phục trước đề xuất phát triển lò phản ứng hạt nhân mới. Ông Hideyuki Ban, Giám đốc của Trung tâm Thông tin Hạt nhân Công dân có trụ sở tại Tokyo, cho biết ông vô cùng lo ngại về các kế hoạch phát triển SMR.
“Công nghệ này không hoàn toàn an toàn. Chúng tôi cũng vô cùng lo lắng về chi phí khổng lồ để phát triển dự án. Chúng tôi thấy rằng các khoản trợ cấp của chính phủ về cơ bản đang được sử dụng để cứu ngành hạt nhân”, ông Hideyuki chia sẻ.
Ông thừa nhận Nhật Bản đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng, song vị quan chức này cho rằng cách tốt nhất và an toàn nhất để giải quyết vấn đề đó là dựa vào khí đốt và các nhà máy nhiệt điện thông thường khác, cho đến khi có thể đưa ra các giải pháp thay thế thực sự an toàn.
NGỌC THẠCH/TTXVN