Trẻ em nhận thức ăn cứu trợ tại trại tị nạn gần làng Yazi Bagh, Syria. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, khoản viện trợ trên sẽ được triển khai nhằm hỗ trợ lương thực và tăng cường năng lực sản xuất cho các nước chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi sự thiếu hụt nguồn cung ngũ cốc toàn cầu. Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine cũng như viện trợ lương thực khẩn cấp cho các quốc gia Trung Đông và châu Phi thông qua viện trợ song phương, các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ Nhật Bản (NGO).
Cụ thể, 41,7 triệu USD sẽ dùng để viện trợ lương thực và tăng cường năng lực sản xuất lương thực cho các nước thông qua kênh song phương; 36,14 triệu USD sẽ thông qua Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và 19,72 triệu USD thông qua Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) để hỗ trợ các nước thúc đẩy sản xuất lương thực.
Ngoài ra, 68 triệu USD sẽ thông qua WFP, 5 triệu USD thông qua Cơ quan Cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA), 10 triệu USD thông qua các tổ chức phi chính phủ Nhật Bản (NGO) để hỗ trợ lương thực và dinh dưỡng khẩn cấp cho các quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp của khủng hoảng lương thực toàn cầu. 17 triệu USD còn lại sẽ thông qua FAO để thúc đẩy xuất khẩu lương thực từ Ukraine.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với cộng đồng quốc tế, mà trước hết là các thành viên của Nhóm G7, để ứng phó với khủng hoảng lương thực toàn cầu.
TTXVN