Một thực tập sinh Việt Nam ở Công ty TNHH Công nghiệp Taisei thuộc tỉnh Kanagawa. Ảnh tư liệu: Đào Thanh Tùng/TTXVN.
Báo cáo đã tập hợp các khuyến nghị về chính sách cho một hệ thống được thiết kế mới - tạm gọi là "Hệ thống đào tạo và việc làm" - để trình lên các nhà lập pháp nghiên cứu và xây dựng các biện pháp chính sách cụ thể. Theo báo cáo, các chuyên gia ủng hộ một hệ thống chuyển từ trọng tâm của chương trình cũ là chuyển giao kỹ năng kỹ thuật cho các nước đang phát triển, sang đảm bảo và phát triển nguồn nhân lực nước ngoài quan trọng để giải quyết tình trạng thiếu lao động mà Nhật Bản đang phải đối mặt trong bối cảnh dân số ngày càng giảm.
Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Akihiko Tanaka cho biết các cuộc thảo luận và đối thoại chủ yếu xoay quanh việc thiết lập một hệ thống mới nhằm đảm bảo và nuôi dưỡng nguồn nhân lực, tập trung vào 3 quan điểm gồm bảo vệ quyền của người nước ngoài, thăng tiến nghề nghiệp cho người nước ngoài và một xã hội an toàn, bảo đảm và bao trùm. Trong tầm nhìn đó, các khuyến nghị bao gồm giảm gánh nặng tài chính cho những thực tập sinh thường phải gánh nợ nần do chi phí ban đầu, cải thiện và tiêu chuẩn hóa hoạt động giám sát, mở rộng phạm vi chuyển đổi công việc, tạo khuôn khổ rõ ràng để phát triển nghề nghiệp, lộ trình để nâng cấp tư cách lưu trú và cải thiện sự hội nhập của người nước ngoài vào xã hội cũng như trình độ tiếng Nhật.
Báo cáo cũng đã đề xuất một hệ thống mới với tính năng cải thiện việc bảo vệ quyền lợi có tính linh hoạt cao hơn đối với những thay đổi tại nơi làm việc và sự giám sát chặt chẽ hơn. Hệ thống mới sẽ tập trung vào việc đảm bảo và phát triển nguồn nhân lực, đồng thời nới lỏng các quy định nghiêm ngặt của chương trình hiện tại vốn cấm thực tập sinh thay đổi nơi làm việc trừ khi có lý do thuyết phục, từ đó cho phép họ chuyển sang công việc tương tự một cách linh hoạt hơn. Về nguyên tắc, điều kiện được phép chuyển việc là những thực tập sinh đã làm việc ít nhất 1 năm tại một nơi và đã vượt qua bài kiểm tra kỹ năng cũng như cấp độ dễ nhất của Bài thi năng lực tiếng Nhật.
Theo hệ thống mới, sau khoảng 3 năm làm việc, các thực tập sinh kỹ thuật dự kiến sẽ có đủ chuyên môn để đăng ký vào hệ thống công nhân lành nghề (hay còn gọi là lao động kỹ năng đặc định) được ban hành vào năm 2019, cho phép lao động nước ngoài ở lại Nhật Bản làm việc với thời hạn lên đến 5 năm (lao động kỹ năng đặc định 1) và có thể được vĩnh trú (lao động kỹ năng đặc định 2). Để trở thành lao động kỹ năng đặc định, học viên sẽ phải vượt qua bài kiểm tra kỹ năng và trình độ tiếng Nhật cao hơn.
Tổ chức Thực tập Kỹ năng Nhật Bản (OTIT), cơ quan giám sát chương trình, cũng sẽ tăng cường nhân sự để hỗ trợ và bảo vệ lao động nước ngoài. Theo báo cáo, hiện có trên 358.000 thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản, 173.000 lao động đi theo chương trình kỹ năng đặc định và hơn 65.000 đơn vị giám sát và đào tạo.
Theo Cục Xuất Nhập cảnh Nhật Bản, nếu được Bộ trưởng Tư pháp chấp thuận, bước tiếp theo là các bộ liên quan đưa ra các chính sách cụ thể. Báo cáo sẽ tạo tiền đề cho chính phủ đệ trình dự luật lên kỳ họp quốc hội thường kỳ vào năm tới để giới thiệu hệ thống mới, chấm dứt Chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật đã được áp dụng từ năm 1993.
Dự kiến, hệ thống mới thay thế cho chương trình thực tập sinh hiện nay sẽ được công bố vào đầu năm tài chính 2024.
NGUYỄN TUYẾN/TTXVN