Một loại vaccine phòng Covid-19. Ảnh: AFP/TTXVN.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến của cơ chế “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với đại dịch Covid-19” (ACT-Accelerator) ngày 9/2, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết nước này sẽ đóng góp thêm 70 triệu USD trong khuôn khổ hợp tác quốc tế để giúp đảm bảo các nước đang phát triển có khả năng tiếp cận công bằng với vaccine Covid-19.
Hội nghị diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize và Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Na Uy Dag-Inge Ulstein và có sự tham gia của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom.
Nội dung chính của hội nghị là đánh giá những vấn đề liên quan đến nghiên cứu, sản xuất, phát triển và phân phối công bằng vaccine Covid-19.
Trong thông điệp gửi hội nghị, Ngoại trưởng Motegi nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế để ứng phó dịch Covid-19 cũng như sự cần thiết của việc thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC). Ông cũng cho biết Nhật Bản cam kết sẽ cung tay với cộng đồng quốc tế triển khai các biện pháp ứng phó dịch Covid-19.
Cùng với khoản hỗ trợ trị giá 130 triệu USD đã công bố hồi tháng 10/2020, số tiền cam kết hỗ trợ lần này đã nâng tổng số tiền giải ngân của Nhật Bản cho sáng kiến Thuận lợi tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 trên phạm vi toàn cầu (COVAX) lên 200 triệu USD, một phần trong số 300 triệu USD mà năm ngoái cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từng cam kết cung cấp cho Liên minh toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng (GAVI) trong thời gian năm năm kể từ năm 2021.
Việc Nhật Bản tiếp tục tăng cường hỗ trợ tài chính cho thấy nỗ lực của nước này nhằm giúp cộng đồng quốc tế có thể khống chế dịch Covid-19, một điều kiện quan trọng để Nhật Bản có thể tổ chức Đại hội thể thao Olympic Tokyo vào mùa Hè tới.
Trong cuộc họp trực tuyến với ngày 9/2, Mỹ đã thông báo tham gia chương trình Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 (ACT), đồng thời nhấn mạnh cam kết của Washington đối với chủ nghĩa đa phương, nỗ lực chung ứng với đại dịch Covid-19 và tăng cường sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu.
Phản ứng trước thông tin này, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hoan nghênh động thái này của Washington trong bối cảnh hợp tác quốc tế đang ngày càng rời rạc, khiến cho đại dịch kéo dài dù nhiều loại vaccine ngừa Covid-19 mới đã được phê chuẩn.
ACT là chương trình do WHO bảo trợ, gây quỹ để phát triển vaccine, chẩn đoán và điều trị Covid-19. Theo ông Ghebreyesus, chương trình này vẫn đang thiếu khoảng 27 tỉ USD.
Cũng tại cuộc họp trên, ông Ghebreyesus bày tỏ lo ngại mới về tình trạng bất công liên quan đến việc phân phối vắcxin. Ông cho biết 90% các nước đang tiến hành tiêm chủng là nước giàu và 75% số liều vaccine được giao tập trung tới 10 quốc gia.
Trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize, đồng chủ trì cuộc họp trực tuyến trên, cho biết "đây là những con số đáng báo động và đáng thất vọng mà chúng ta cần thay đổi".
PHẠM TUÂN - BÍCH LIÊN/TTXVN
Hàn Quốc lạc quan về triển vọng hợp tác với Mỹ trong hồ sơ hạt nhân Triều Tiên