Nhật Bản sẽ bắt đầu phát hành các tờ tiền mới vào ngày 03/7 tới, với công nghệ tiên tiến sử dụng hình ảnh ba chiều (holography) đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Kyodo News.
Trong lần thay đổi thiết kế đầu tiên sau 20 năm, các tờ tiền mệnh giá 10.000 yen, 5.000 yen và 1.000 yen sẽ có các con số mệnh giá được in cỡ lớn hơn so với các phiên bản hiện tại, để tất cả mọi người bất kể tuổi tác và quốc tịch đều có thể dễ dàng nhận diện. Ngoài ra, ký hiệu xúc giác sẽ cho phép người khiếm thị nhận biết các tờ tiền mà họ đang cầm.
Ông Eiichi Shibusawa (1840-1931), được mệnh danh là "cha đẻ của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản" với việc thành lập khoảng 500 công ty, sẽ xuất hiện trên tờ tiền mệnh giá 10.000 yen, cùng hình ảnh tòa nhà gạch đỏ của Ga Tokyo ở mặt sau.
Trong khi đó, tờ tiền 5.000 yen sẽ có chân dung của nhà giáo dục Umeko Tsuda (1864-1929), người đã cố gắng nâng cao địa vị của phụ nữ trong xã hội. Hoa tử đằng, được yêu thích tại Nhật Bản từ thời cổ đại, sẽ xuất hiện ở mặt sau.
Tờ tiền 1.000 yen sẽ được in chân dung của nhà vi sinh học Shibasaburo Kitasato (1853-1931), được biết đến như "cha đẻ của y học hiện đại Nhật Bản" vì những đóng góp của ông trong điều trị bệnh uốn ván. Ở mặt sau là "Sóng lớn ở Kanagawa", một tác phẩm của họa sĩ ukiyo-e Katsushika Hokusai miêu tả những con sóng lớn và núi Phú Sĩ.
Theo Chính phủ Nhật Bản, đến cuối tháng Ba năm sau, gần 7,5 tỉ tờ tiền mới sẽ được in. Các tờ tiền hiện tại vẫn sẽ được lưu hành hợp pháp sau khi các tờ tiền mới được phát hành.
Tại Nhật Bản, có 18,54 tỉ tờ tiền đang lưu hành tính đến cuối năm 2023. Nếu xếp thành hàng ngang, số lượng này sẽ bằng khoảng 8 lần khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trăng, theo dữ liệu từ Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).
Các tờ tiền mới được phát hành trong bối cảnh Nhật Bản, quốc gia ưa chuộng tiền mặt, đang hướng tới việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Giá trị của các giao dịch không dùng tiền mặt đang tăng lên ở quốc gia này, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu của chính phủ là khoảng 40% vào năm 2023.
Theo dữ liệu từ các nhóm ngành, vào năm 2021, các giao dịch không dùng tiền mặt đã chiếm hơn một nửa tổng số giao dịch tại Anh, Canada và Mỹ cũng như Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc.
Theo TTXVN