Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong một buổi họp báo cho rằng Luật Hải cảnh của Trung Quốc không nhằm vào quốc gia cụ thể và hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phòng vệ Nhật Bản, ông Kishi Nobuo khẳng định những quyền hạn về việc sử dụng vũ khí, hay khu vực được áp dụng trong Luật Hải cảnh của Trung Quốc rất chung chung và có vấn đề nếu xét từ quan điểm về tính hợp pháp hóa trong luật quốc tế. Vì vậy, để không làm tổn hại tới lợi ích chính đáng của các quốc gia liên quan bao gồm Nhật Bản, nước này sẽ tiếp tục bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với Trung Quốc.
Đồng thời, liên quan tới việc Trung Quốc năm nay tiếp tục tăng ngân sách Quốc phòng, ông Kishi phê phán rằng việc này thiếu tính minh bạch với mục đích tăng cường sức mạnh quân sự trên phạm vi rộng và nhanh chóng.
Một quan chức ngoại giao phụ trách vấn đề châu Á cho biết thêm rằng trong nội dung của Luật Hải cảnh Trung Quốc cũng đã xác nhận hành vi làm đắm tàu, phun vòi rồng vào tàu của ngư dân một số quốc gia. Theo đó, không chỉ ở khu vực biển Hoa Đông mà cả ở khu vực Biển Đông, Trung Quốc đang hợp pháp hóa hành vi khiêu khích của mình bằng cách đưa ra Luật Hải cảnh mới. Đây là điều rất đáng lo ngại.
Trước đó, hôm 22/1, Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc đã kết thúc hội nghị lần thứ 25. Tại Hội nghị này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký lệnh ban hành Luật Hải cảnh cho phép lực lượng hải cảnh (cảnh sát biển) nước này dùng vũ khí đối với tàu nước ngoài. Dư luận cho rằng, động thái của Bắc Kinh có thể làm tăng nguy cơ căng thẳng mới tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
BÙI HÙNG/VOV
Facebook trì hoãn trong đàm phán với các hãng tin Australia