Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu với báo giới tại Tokyo. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Theo kết quả thăm dò mới nhất do Nikkei và TV Tokyo tiến hành cho thấy tỷ lệ tín nhiệm đối với nội các của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 26% trong bối cảnh bê bối gây quỹ chính trị ngày càng gia tăng dẫn đến việc sa thải 4 bộ trưởng. Theo cuộc khảo sát được thực hiện trong ngày 15 và 16/12, mức ủng hộ đã giảm 4 điểm so với cuộc thăm dò trong tháng 11 xuống mức thấp nhất kể từ khi ông Kishida nhậm chức vào tháng 10/2021. Trong khi đó, tỷ lệ không tán thành tăng 6 điểm lên 68%.
Ngày 14/12, Thủ tướng Kishida đã thay thế Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno và ba thành viên nội các khác bị cáo buộc đã che giấu thu nhập gây quỹ tại các sự kiện do phe của họ tổ chức. Các công tố viên Tokyo đã mở một cuộc điều tra về vụ bê bối. Vụ bê bối đã làm xói mòn sự ủng hộ vốn đã thấp của công chúng đối với ông Kishida. Tỷ lệ tán thành giảm trong ba tháng liên tiếp trong khi tỷ lệ không tán thành tăng trong bốn tháng liên tiếp. Tỷ lệ ủng hộ 26% là mức thấp nhất kể từ khi đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền trở lại nắm quyền dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe vào năm 2012. Tỷ lệ phản đối cũng ở mức cao kỷ lục kể từ đó.
Khi được hỏi lý do không ủng hộ nội các, 43% số người được hỏi cho rằng nguyên nhân là do chính sách yếu kém, tiếp theo là 38% không hài lòng với cách quản lý các công việc của chính phủ và đảng LDP. Trong số những người ủng hộ nội các, 35% cho rằng đội ngũ lấy LDP làm trung tâm và 23% cho rằng đáng tin cậy.
Đa số đổ lỗi cho ông Kishida về vụ bê bối, với 67% cho rằng thủ tướng phải chịu trách nhiệm trong khi 28% cho rằng ông không phải chịu trách nhiệm. Được yêu cầu nêu tên các ưu tiên chính sách hàng đầu, kiềm chế lạm phát đứng đầu danh sách với 40%, tiếp theo là tăng trưởng kinh tế ở mức 38% và nuôi dạy trẻ em, giáo dục và tỷ lệ sinh thấp ở mức 36%.
Tỷ lệ ủng hộ dành cho LDP cũng bị ảnh hưởng, giảm 4 điểm xuống 30%. Đảng Đổi mới Nhật Bản, hay Nippon Ishinno Kai, nhận được 12%, tiếp theo là Đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản với 9%. Số người trả lời không theo đảng phái nào đã tăng lên 32%, lần đầu tiên vượt qua những người ủng hộ LDP kể từ tháng 3/2020.
Cuộc khảo sát được Nikkei Research thực hiện thông qua quay số ngẫu nhiên. Cuộc thăm dò nhắm đến nam giới và phụ nữ từ 18 tuổi trở lên trên toàn quốc và thu hút 729 phản hồi, với tỷ lệ phản hồi là 39%. LDP đã phải đối mặt với những lời chỉ trích trong bối cảnh có cáo buộc rằng phái lớn nhất của LDP đã không khai trong các báo cáo nhận tài trợ chính trị về khoản thu nhập hàng trăm triệu yen "tiền hoa hồng" từ doanh thu của các hoạt động gây quỹ chính trị.
Các nhân vật dính bê bối, bao gồm Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno, Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura, Bộ trưởng Nông nghiệp Ichiro Miyashita và Bộ trưởng Nội vụ Junji Suzuki, đã đệ đơn từ chức trong ngày 14/12. Các nguồn điều tra cho biết ông Matsuno, người từng giữ chức Tổng Thư ký của phe lớn nhất trong LDP năm 2020 và 2021, bị nghi đã không khai báo khoản thu nhập hơn 10 triệu yen (69.000 USD) từ các sự kiện gây quỹ của nhóm. Ông Nishimura được cho là có liên đới sau khi kế nhiệm ông Matsuno đảm nhận vị trí Tổng Thư ký.
Ngoài ra, Tổng Thư ký Thượng viện của LDP, Tsuyoshi Takagi, cũng đã tuyên bố sẽ từ chức chức vụ trong đảng. Các nhân vật dính bê bối, bao gồm Chánh văn phòng Nội các, Bộ trưởng Kinh tế, Bộ trưởng Nông nghiệp và Bộ trưởng Nội vụ, đã đệ đơn từ chức trong ngày 14/12. Việc từ chức hàng loạt này khiến LDP rơi vào tình thế rất bất thường khi không có đại diện từ phái lớn nhất của đảng trong nội các, mở đường sự thay đổi các nhân sự chủ chốt trong nội các. Vụ bê bối quỹ chính trị nổi lên sau một đơn khiếu nại hình sự cáo buộc 5 phe phái LDP đã báo cáo thấp so với thực tế doanh thu từ các hoạt động gây quỹ chính trị cho đảng.
Các phái LDP có truyền thống đặt ra hạn ngạch cho các nghị sĩ về việc bán vé tham dự các sự kiện của đảng, thường có giá 20.000 yen/vé. Ở một số phái, nếu nghị sỹ vượt chỉ tiêu, số tiền vượt này sẽ được chuyển lại cho nghị sỹ đó dưới dạng "tiền hoa hồng."
Theo TTXVN