Theo đó, Điều 7 Thông tư 09/2025/TT-BTP quy định rõ về nhiệm vụ của Sở Tư pháp trong thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và thừa phát lại.
Cụ thể, Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính theo quy định pháp luật và quy chế phối hợp công tác giữa cơ quan tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự địa phương do Bộ Tư pháp ban hành.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Về thừa phát lại, Sở Tư pháp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm Thừa phát lại và công nhận tương đương đào tạo nghề Thừa phát lại ở nước ngoài ; xác minh thông tin trong hồ sơ bổ nhiệm, miễn nhiệm Thừa phát lại; đăng ký hành nghề, cấp, cấp lại và thu hồi Thẻ Thừa phát lại; quyết định tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại; lập danh sách Thừa phát lại hành nghề tại địa phương và cấp Thẻ Thừa phát lại theo quy định pháp luật.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại tại địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và thực hiện thủ tục trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép thành lập, chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng, chấm dứt hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại.
Sở Tư pháp cấp, thu hồi Giấy đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại; quyết định tạm ngừng hoạt động Văn phòng Thừa phát lại; quản lý về tập sự hành nghề Thừa phát lại tại địa phương theo quy định pháp luật. Xây dựng cơ sở dữ liệu về vi bằng, thực hiện đăng ký và quản lý cơ sở dữ liệu về vi bằng theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra về tổ chức và hoạt động thừa phát lại theo quy định pháp luật.
Về quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Sở Tư pháp đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xử lý các quy định xử lý vi phạm hành chính không khả thi, không phù hợp với thực tiễn hoặc chồng chéo, mâu thuẫn trong quá trình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Sở Tư pháp cũng được giao giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, Sở giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại địa phương, thống kê, xây dựng Cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của địa phương và tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Thông tư này thay thế Thông tư số 07/2020/TT-BTP ngày 21/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.