/ Pháp luật - Đời sống
/ Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh khi bỏ Công an huyện

Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh khi bỏ Công an huyện

11/03/2025 15:36 |

(LSVN) - Thông tư 11/2025/TT-BCA ngày 27/02/2025 của Bộ Công an quy định về tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra; phân công Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; thẩm quyền điều tra hình sự trong Công an nhân dân. Trong đó, Thông tư này quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh khi bỏ Công an huyện.

Cụ thể, theo Điều 9 Thông tư này, tổ chức, bộ máy của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh gồm có:

- Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra;

- Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (gọi tắt là Phòng Cảnh sát hình sự);

- Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (gọi tắt là Phòng Cảnh sát kinh tế);

- Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Phân công Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh:

- 01 Phó Giám đốc phụ trách công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm là Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh;

- Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh là Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh;

- 01 Phó Chánh Văn phòng, Trưởng phòng và 01 Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát hình sự, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát kinh tế, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy là Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh.

Tùy tình hình thực tiễn tại địa phương, để bảo đảm hoạt động của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh trên địa bàn cần phải bố trí thêm Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh thì Công an cấp tỉnh báo cáo Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (qua Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an) để xem xét, quyết định số lượng tăng thêm Phó Thủ trưởng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh; việc bổ nhiệm Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh gồm:

- Tổ chức công tác trực ban hình sự, tiếp nhận nguồn tin về tội phạm; phân loại và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết;

- Tiến hành điều tra vụ án hình sự về tội phạm quy định tại các chương từ Chương XIV đến Chương XXIV của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan An ninh điều tra của Công an nhân dân;

- Hướng dẫn các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của lực lượng Cảnh sát nhân dân thuộc Công an cấp tỉnh thực hiện hoạt động điều tra; hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, phân loại, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã, Đồn Công an;

- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật tổ chức điều tra hình sự và tố tụng hình sự.

Trước đó, Điều 20 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an cấp tỉnh gồm:

- Tổ chức công tác trực ban hình sự, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; phân loại và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

- Tiến hành Điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại Khoản 2 Điều 21 của Luật này khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc các tội phạm thuộc thẩm quyền Điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp Điều tra.

- Hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ Điều tra và kiểm tra việc chấp hành pháp luật, nghiệp vụ trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác Điều tra, xử lý tội phạm đối với Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an cấp huyện; hướng dẫn các cơ quan của lực lượng Cảnh sát nhân dân thuộc Công an cấp tỉnh được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra thực hiện hoạt động Điều tra.

- Kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục nguyên nhân, Điều kiện làm phát sinh tội phạm.

- Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác Điều tra, xử lý tội phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an cấp tỉnh, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an cấp huyện.

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

DUY ANH

Các tin khác