Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa chúc mừng Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam khóa III.
Theo Điều 4 Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam vừa được Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ký Quyết định số 856/QĐ-TTg ngày 19/7/2022 phê duyệt, nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam được quy định như sau:
- Các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 65 của Luật Luật sư;
- Đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền, lợi ích hợp pháp của các Đoàn Luật sư, Luật sư thành viên trong quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn;
- Đại diện và bảo vệ quyền hành nghề, lợi ích hợp pháp của các Luật sư, Đoàn Luật sư là thành viên của Liên đoàn ở trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam;
- Thực hiện hợp tác quốc tế và hướng dẫn, giám sát việc tuân thủ pháp luật, tuân theo Điều lệ Liên đoàn đối với hoạt động hợp tác quốc tế của các Đoàn Luật sư, Luật sư thành viên;
- Quản lý, sử dụng tài sản của Liên đoàn Luật sư Việt Nam theo quy định của pháp luật và Điều lệ Liên đoàn;
- Báo cáo quyết toán tài chính về việc tiếp nhận, sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách, nguồn tài trợ của cá nhân, tổ chức nước ngoài gửi Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp định kỳ hằng năm hoặc theo yêu cầu;
- Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ này.
Bên cạnh đó, về nguyên tắc tổ chức, hoạt động, Liên đoàn Luật sư Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự quản, dân chủ, bình đẳng, thiểu số phục tùng đa số theo quy định của Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam; chịu sự quản lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật.
PV
Quyền, nghĩa vụ của Luật sư theo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam