Ông Đào Ngọc Sơn trao đổi với Phóng viên.
Trong các ngày 02- 03/4/2024, TAND TP. Đà Nẵng đã tổ chức xét xử sơ thẩm vụ án Đào Công Phú, sinh ngày 24/2/1987, trú tại xã Thái Hưng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình cùng các đồng phạm về tội "Buôn lậu".
Theo đó, TAND TP. Đà Nẵng đã ra Bản án sơ thẩm số 31/2024/HS-ST ngày 03/4/2024 (Bản án số 31), tuyên phạt bị cáo Phú 14 năm tù về tội Buôn lậu. Các đồng phạm Thanh, Hưng bị tuyên phạt tổng cộng 21 năm tù cũng về tội "Buôn lậu".
Sau khi TAND TP. Đà Nẵng tuyên án, bị cáo Phú đã viết đơn kháng cáo toàn bộ bản án gửi đến TAND Cấp cao tại Đà Nẵng. Cùng với đó, ông Đào Ngọc Sơn, sinh năm 1943 (bố đẻ của Phú) cũng làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng kiến nghị về Bản án số 31.
“Tôi rất thất vọng về bản án dành cho Phú bởi nó không mang tính nghiêm minh của pháp luật, bao che cho tội phạm…”, ông Sơn cho biết.
Liên quan đến vấn đề, các Luật sư Nguyễn Thành Sơn và Luật sư Trần Việt Cường, Công ty Luật Hợp danh Sài Thành đưa ra quan điểm, Bản án số 31 có nhiều điểm bất thường, vi phạm hoạt động tư pháp (làm sai lệch hồ sơ vụ án, để lọt tội phạm) quy chụp cho Phú cầm đầu, buôn lậu chính. Các Luật sư đưa ra viện dẫn.
Thứ nhất, tổ chức buôn lậu này không giản đơn như quan điểm Bản án số 31, nó có tổ chức đông người, quy mô lớn.
Cụ thể, theo tài liệu có trong vụ án, để nhập khẩu hàng hóa vào Cảng Đà Nẵng “tổ chức” này đã thành lập 03 công ty: Ngọc Sơn, Mặt Trời Đỏ, Sông Hàn. Trong thời gian từ tháng 03/2020 đến tháng 06/2020, 03 công ty này đã nhập qua Cửa khẩu Đà Nẵng 19 lần (19 tờ khai hải quan) gồm 60 container; số lượng 1.200 tấn hàng; doanh số 153 tỉ đồng. Bản án số 31 không làm rõ, kết luận 55 container đã thông quan; khối lượng 1.100 tấn hàng; doanh số 140 tỉ đồng. Cơ quan tố tụng chỉ truy tố 05 container bị bắt cuối cùng; số lượng 100 tấn hàng; doanh số 13 tỉ đồng; trốn thuế 1,3 tỉ đồng. Như vậy, bản chất vụ án bị thu hẹp, các đối tượng chính thoát tội, truy tố nặng người giúp sức (bị cáo Phú).
Theo hồ sơ có trong bản án, Trí giới thiệu Phú với bà Nhan; bà Nhan giới thiệu Phú cùng Trí với bà Oanh ở Trung Quốc (Bà Oanh là người muốn nhập khẩu thuốc Bắc về Việt Nam). Từ đây, Phú trực tiếp làm việc với bà Oanh để nhập hàng về Việt Nam. Đồng thời, bà Nhan được bà Oanh gửi tiền để chuyển cho Trí; Trí chuyển tiền cho Phú để trả tiền thuê tàu chở hàng và các dịch vụ phí khác… Nhưng TAND TP. Đà Nẵng lại kết luận chỉ có Phú phạm tội (bà Oanh không rõ tung tích, không điều tra), bà Nhan, Trí không phạm tội vì chuyển tiền hộ Phú.
Khi hàng hóa xuất, nhập khẩu qua 02 cửa khẩu Hồng Kông (Trung Quốc) - Cảng Đà Nẵng (Việt Nam) phải có tên mặt hàng; giá hàng hóa; khối lượng hàng mua, bán…; tiền mua hàng phải được chuyển khoản từ ngân hàng Việt Nam (bên mua) sang ngân hàng Trung Quốc (bên bán); được Hải quan Trung Quốc cấp phép xuất khẩu; chủ hàng thuê tầu, thuê container chuyển về Việt Nam (giai đoạn này Phú không biết, cơ quan tố tụng cũng không chứng minh được Phú có tham gia hay không). Phú chỉ được thuê thực hiện thủ tục nhận hàng tại Cảng Đà Nẵng, không nhận hàng giao cho người mua tại Việt Nam. Tuy nhiên, Bản án số 31 đã kết luận Phú thuê Bùi Mạnh Cường chuyên chở hàng hóa từ Đà Nẵng cho người mua, nhưng không chứng minh được nội dung này.
Thứ hai, cơ quan tố tụng đã bỏ lọt tội phạm cụ thể: Ngày 15/6/2020 Công ty Ngọc Sơn nhập 05 container hàng; Công ty Mặt Trời Đỏ nhập 03 container hàng (đều do Thanh làm thủ tục khai báo). Tuy nhiên, Hải quan Đà Nẵng chỉ bắt 05 container hàng của Công ty Ngọc Sơn, cho thông quan 03 container của công ty Mặt Trời Đỏ. Thanh đã khai báo cả 08 container hàng trên nhưng Bản án số 31 không làm rõ 03 container, chứa 60 tấn hàng này.
Vợ con Phú đang phải ở tạm tại khu nhập thể giáo viên trường THPT Hưng Nhân, Thái Bình.
Quá trình làm việc Phú đã khai, ngày 6/4/2020 tại tờ khai hải quan số 103246395122, công ty Ngọc Sơn nhập 03 container, số lượng 60 tấn hàng, khai báo 12 mặt hàng gồm: nấm phục linh, ba kích, bán chi niên, cây dâm dương, ngũ gia bì, cây tục đoạn, hà thủ ô, hạnh nhân. Hải quan cho thông quan, không nộp thuế. Các mặt hàng này trùng với hàng hóa trong 05 container của Công ty Ngọc Sơn bị bắt ngày 15/6/2020 (tang vật vụ án), nhưng HĐXX đã bỏ qua.
Hồ sơ vụ án thể hiện rõ đường đi của nguồn tiền, chi phí vận chuyển 1.200 tấn hàng vào Việt Nam. Cụ thể, từ tháng 03/2020 đến tháng 06/2020 (tháng 5 container hàng bị bắt) bà Nhan đã 51 lần chuyển tiền vào tải khoản của Trí, tổng số tiền là 5.010.000.000 đồng. Trí chuyển cho Phú từ tài tài khoản trên 36 lần với số tiền là 5.808.680.000 đồng để chi phí tàu biển và các dịch vụ tiền lương (không có tiền vận chuyển hàng từ Đà Nẵng ra miền Bắc). Trí chuyển cho Cường (từ tháng 03/2020 đến tháng 08/2020) tổng số 1.470.000.000 đồng (tiền chuyển 1200 tấn hàng ra miền Bắc). Bà Nhan khai chuyển cho ông Cường 100.000.000 đồng để vận chuyển hàng hóa. Bà Lý (Gia Lâm, Hà Nội) gửi cho bà Nhan 02 lần tiền (1,1 tỉ đồng) nhờ mua hàng nông sản sấy khô Trung Quốc. Đây là chứng cứ chứng minh những người tham gia tổ chức buôn lậu nhưng không được Bản án số 31 làm rõ.
Trong hồ sơ vụ án, bà Oanh không chuyển tiền cho ai, nguồn tiền xuất phát từ bà Nhan chuyển cho Trí, Trí chuyển cho Phú để trả các dịch vụ và vận chuyển hàng về Cảng Đà Nẵng. Phú thuê Cường chuyển hàng từ Đà Nẵng giao cho khách nhưng không chuyển tiền cho Cường… Bà Oanh trực tiếp làm ăn với Phú cũng không chuyển tiền cho Phú. Khi hàng về Việt Nam, Phú “được” làm chủ, tuy nhiên lại không có quyền đi giao 1.200 tấn hàng; Trí giao tiền cho Cường để đi giao hàng (Cường là cháu của Trí mới đi tù 7 năm về tội Buôn lậu, có trong hồ sơ vụ án)?.
Để nhập khẩu số lượng lớn hàng hóa trên về Việt Nam, 3 công ty Ngọc Sơn, Mặt Trời Đỏ, Sông Hàn phải: trực tiếp ký hợp đồng với công ty bán hàng Trung Quốc; chuyển tiền mua hàng là 153 tỉ Việt Nam đồng qua Ngân hàng Việt Nam vào Ngân hàng Trung Quốc. Tất cả vận đơn mua hàng đều do 03 công ty ký mua. Trong vận đơn phải ghi tên hàng hóa, số lượng, giá cả ngoại tệ và tiền Việt Nam đồng. Hàng hóa về Cảng Đà Nẵng đều được 03 công ty ký công văn và các thủ tục nhận hàng. Chủ hàng là Nguyễn Ngọc Sơn, Thanh (bị cáo trong vụ án) cũng vào Đà Nẵng làm các thủ tục, ký các văn bản. Tuy nhiên, Bản án số 31 đã kết luận tất cả do Phú làm việc với bà Oanh bên Trung Quốc, chủ hàng không biết, thậm chí nhập hàng là gì đều do Phú làm.
Thứ ba, cơ quan tố tụng truy tội Buôn lậu là chưa khách quan, toàn diện bởi, 147 mặt hàng trong vụ án có 02 thuộc tính: là thuốc Bắc nếu nhập về làm thuốc chữa bệnh (chịu sự quản lý của Bộ Y tế do Cục quản lý y dược cổ truyền cấp phép và giám định); là thực phẩm nếu nhập về làm thực phẩm (do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý và giám định). Các mặt hàng này nếu nhập về làm thuốc Bắc sẽ vi phạm pháp luật. Theo đó, Bản án số 31 đã mặc nhiên kết luận “nhập về làm thuốc Bắc”.
Viện dẫn về vấn đề này, các Luật sư cho biết, trong văn bản đề nghị giám định hàng hóa, cơ quan tố tụng đã đề nghị giám định 147 mặt hàng thuốc bắc, tên gọi từng loại, nên kết quả giám định số 553/KNTMPTP-KNHL ngày 27/8/2020 của Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm – Sở Y tế Hà Nội có kết quả là thuốc Bắc.
Theo các Luật sư, cơ quan tố tụng phải căn cứ vào tờ khai hải quan hoặc làm rõ tên của 147 mặt hàng, nhập về Việt Nam phục vụ việc chữa bệnh hay làm thực phẩm. Nếu làm thuốc chữa bệnh, cơ quan tố tụng phải gửi Cục quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế giám định và kết luận. Nếu nhập về làm thực phẩm, cơ quan tố tụng phải gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giám định, đề nghị cho biết các mặt hàng này có phải cấp phép không, nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan mặt hàng nông nghiệp này ra sao để xử lý.
Ngoài ra, cơ quan tố tụng không làm rõ hai đoạn băng ghi âm xác định người cầm đầu tổ chức buôn lậu. Không những vậy, có dấu hiệu cơ quan tố tụng đã giám định giọng nói của người khác thay cho ông Trí nên kết quả không đạt yêu cầu.
Cuối cùng, Bản án số 31 kết luận doanh nghiệp bên Trung Quốc (công ty Dongguan City shun Quanghua Trading C.LtD) có văn bản xác nhận không bán hàng thuốc bắc cho công ty Ngọc Sơn ở Việt Nam (05 công hàng bị bắt) không mở tờ khai xuất khẩu... Theo các Luật sư, nếu kết luận của tòa đúng, tất cả 60 container; 1200 tấn hàng đã nhập về Cảng Đà Nẵng của 03 công ty Ngọc Sơn, Mặt trời đỏ, Sông Hàn đều là hàng buôn lậu, cần phải truy tố.
Được biết vào ngày 31/7/2024, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng sẽ mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án Đào Công Phú cùng các đồng phạm về tội Buôn lậu.
PV