/ Thư viện pháp luật
/ Nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực từ tháng 5

Nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực từ tháng 5

30/04/2022 11:56 |

(LSVN) - Tăng mức cho vay học sinh, sinh viên; Từ ngày 21/5 có thể đăng ký xe máy tại Công an xã, xe ô tô tại Công an huyện; Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi nghề... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 05/2022.

Ảnh minh họa.

Tăng mức cho vay học sinh, sinh viên

Tại Quyết định số 5/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, có hiệu lực từ ngày 19/5/2022, tăng mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên (HSSV) từ 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV lên 04 triệu đồng/tháng/HSSV.

Từ ngày 21/5 có thể đăng ký xe máy tại Công an xã, xe ô tô tại Công an huyện

Có hiệu lực từ ngày 21/5/2022, Thông tư 15/2022/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 58/2020/TT-BCA ngày 16/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Trong đó, Thông tư 15 (sửa đổi khoản 6, Điều 3, Thông tư 58/2020/TT-BCA) trao quyền cho Công an xã, phường, thị trấn (Công an cấp xã) đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) cho cá nhân, tổ chức.

Theo đó, Công an cấp xã đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, doanh nghiệp quân đội, cá nhân trong nước có trụ sở hoặc nơi thường trú tại địa phương mình và cơ quan, tổ chức, cá nhân người nước ngoài, của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài tại địa phương mình; tổ chức thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe hết niên hạn sử dụng, xe hỏng không sử dụng được của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc nơi thường trú tại địa phương.

Lưu ý, chỉ những xã trong ba năm liền kề gần nhất có số lượng đăng ký mới từ 250 xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) trở lên trong một năm, thì Công an xã sẽ được thực hiện đăng ký và cấp biển số xe.

Cũng theo Thông tư 15/2022/TT-BCA, Công an cấp huyện sẽ đăng ký, cấp biển số xe ô tô cho tổ chức, cá nhân trong nước có trụ sở hoặc nơi thường trú trên địa phương mình; trừ:

- Xe ô tô của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài tại địa phương và cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, doanh nghiệp quân đội, cá nhân có trụ sở hoặc nơi thường trú tại quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương hoặc thành phố thuộc tỉnh nơi Phòng CSGT đặt trụ sở.

- Xe ô tô của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam và xe ô tô của người nước ngoài làm việc trong cơ quan đó; xe ô tô của các cơ quan, tổ chức quy định tại Phụ lục số 01, Thông tư 58/2020/TT-BCA.

Thu hồi Giấy phép nhập khẩu phim khi nội dung phim vi phạm quy định cấm

Có hiệu lực từ ngày 10/5/2022, Nghị định số 22/2022/NĐ-CP ngày 25/3/2022 bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh.

Trong đó, Nghị định bổ sung quy định: Cơ quan cấp phép nhập khẩu phim thu hồi Giấy phép nhập khẩu phim khi phát hiện nội dung phim vi phạm quy định cấm tại Luật Điện ảnh.

Phụ nữ dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ đến 03 triệu đồng

Theo Thông tư 15/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, có hiệu lực từ ngày 01/5/2022, hỗ trợ cho phụ nữ dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù sinh con đúng chính sách dân số tối đa 03 triệu đồng/bà mẹ.

Tăng mức trợ cấp hàng tháng đối với Quân nhân xuất ngũ

Thông tư 22/2022/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định về điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc có hiệu lực từ ngày 16/5/2022.

Thông tư nêu rõ, điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức trợ cấp hàng tháng của tháng 12 năm 2021 đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg; quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg.

Mức trợ cấp hằng tháng của các đối tượng sau khi đã được điều chỉnh tăng thêm, cụ thể như sau: Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp bằng 2.031.000 đồng/tháng; Từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp bằng 2.123.000 đồng/tháng; từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp bằng 2.217.000 đồng/tháng; Từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp bằng 2.309.000 đồng/tháng; Từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp bằng 2.400.000 đồng/tháng.

Sửa quy định cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2022/TT-NHNN ngày 31/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2021/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Thông tư sửa đổi điểm d, khoản 1, Điều 4 các trường hợp cho vay đặc biệt như sau: Cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày Luật số 17/2017/QH14 có hiệu lực theo quy định tại khoản 2, Điều 3, Luật số 17/2017/QH14.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng sửa đổi khoản 1 Điều 5 Nguyên tắc cho vay đặc biệt, xử lý khoản cho vay đặc biệt. Đối với khoản cho vay đặc biệt quy định tại điểm b, c, đ khoản 1, điểm c khoản 2, điểm c khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 4 Thông tư này, số tiền cho vay đặc biệt, mục đích sử dụng khoản cho vay đặc biệt, tài sản bảo đảm cho khoản cho vay đặc biệt, lãi suất cho vay đặc biệt, thời hạn cho vay đặc biệt, việc trả nợ cho vay đặc biệt, việc miễn, giảm tiền lãi cho vay đặc biệt, việc xử lý đối với khoản cho vay đặc biệt đã cho vay (bao gồm cả việc gia hạn khoản cho vay đặc biệt, lãi suất đối với nợ gốc cho vay đặc biệt quá hạn) thực hiện theo phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt.

Đối với khoản cho vay đặc biệt quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 4, Thông tư này thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 3, Luật số 17/2017/QH14.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 24/5/2022.

Hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Thông tư 15/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2022.

Trong đó, về hỗ trợ chuyển đổi nghề, trường hợp chính quyền địa phương không bố trí được đất sản xuất, thì hộ không có đất hoặc thiếu đất sản xuất được hỗ trợ 1 lần chuyển đổi nghề. Mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/hộ để mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, làm các ngành nghề khác. Trường hợp không có nhu cầu mua sắm nông cụ, máy móc thì được hỗ trợ học nghề để chuyển đổi nghề theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Quy trình, phương thức hỗ trợ thực hiện theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc.

Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ đăng ký phân loại doanh nghiệp bằng 2 hình thức

Thông tư 21/2021/TT-BNNPTNT ban hành ngày 29/12/2021 quy định phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, có hiệu lực từ ngày 01/5/2022.

Theo đó, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ đăng ký phân loại với Cơ quan tiếp nhận bằng một trong hai hình thức sau:

- Hình thức trực tuyến: Doanh nghiệp truy cập vào Hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử www.kiemlam.org.vn để đăng ký theo hướng dẫn của Hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp.

- Hình thức trực tiếp:

+ Trường hợp doanh nghiệp không ứng dụng được Hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp thì gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc bưu điện 01 bộ hồ sơ tới Cơ quan tiếp nhận.

+ Cơ quan tiếp nhận nhập hồ sơ của doanh nghiệp vào Hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp; thông báo đến doanh nghiệp kết quả tiếp nhận đăng ký phân loại doanh nghiệp theo; lưu trữ tài liệu đăng ký theo quy định của pháp luật.

Hướng dẫn phòng vệ thương mại trong Hiệp định RCEP

Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 07/2022/TT-BCT ngày 23/3/2022 hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Theo Thông tư, Cơ quan điều tra có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho nước Thành viên bị điều tra về việc nhận được Hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá ít nhất 07 ngày trước khi Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Cơ quan điều tra có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho nước Thành viên bị điều tra về việc nhận được Hồ sơ yêu cầu điều tra chống trợ cấp ít nhất 20 ngày trước khi Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp. Khi có yêu cầu từ Chính phủ nước Thành viên liên quan, Cơ quan điều tra có nghĩa vụ cung cấp bản không bảo mật Hồ sơ yêu cầu điều tra chống trợ cấp.

Về phương pháp tính toán biên độ bán phá giá: Khi tính toán biên độ bán phá giá theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 20 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP, Cơ quan điều tra phải tính gộp tất cả các biên độ riêng lẻ, dù có kết quả dương hay âm, vào biên độ chung của mỗi nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài. Quy định này không hạn chế quyền của Cơ quan điều tra trong việc tính toán biên độ bán phá giá theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 20 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP…

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 8/5/2022.

Hướng dẫn quản lý tài chính đối với nguồn viện trợ không hoàn lại

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 23/2022/TT-BTC ban hành ngày 6/4/2022 hướng dẫn quản lý tài chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước.

Thông tư hướng dẫn quản lý tài chính nhà nước đối với vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (gọi chung là viện trợ) thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước bao gồm:

Viện trợ hỗ trợ ngân sách cho ngân sách Trung ương hoặc cho ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Viện trợ độc lập hoặc viện trợ kèm theo khoản vay cho chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương (bao gồm cả nhiệm vụ chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách cấp tỉnh), hoặc viện trợ trực tiếp cho chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp tỉnh;

Viện trợ phi dự án để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương, bao gồm cả chi bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp tỉnh, hoặc trực tiếp hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách cấp tỉnh.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 20/5/2022.

Sửa quy định về dự phòng tổn thất các khoản đầu tư chứng khoán

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 24/2022/TT-BTC ngày 07/4/2022 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 48/2019/TT-BTC hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp.

Thông tư 24 sửa đổi bổ sung quy định về "Dự phòng tổn thất các khoản đầu tư chứng khoán" (Điều 5) như sau:

Đối tượng lập dự phòng là các loại chứng khoán do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành theo quy định của pháp luật, thuộc sở hữu của doanh nghiệp, đang được niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán trong nước, được tự do mua bán trên thị trường và giá chứng khoán thực tế trên thị trường tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm thấp hơn giá trị của khoản đầu tư chứng khoán đang hạch toán trên sổ kế toán.

Đối tượng lập dự phòng nêu trên không bao gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/5/2022.

TRẦN QUÝ

Nghiên cứu, đề ra nhiều giải pháp về cải cách chính sách thuế

Admin