/ Tích hợp văn bản mới
/ Nhiều chính sách mới về giáo dục, ngân hàng bắt đầu có hiệu lực

Nhiều chính sách mới về giáo dục, ngân hàng bắt đầu có hiệu lực

20/11/2024 06:35 |

(LSVN) - Từ hôm nay (ngày 20/11/2024), hàng loạt chính sách mới trong lĩnh vực giáo dục, ngân hàng sẽ chính thức có hiệu lực thi hành như: Quy định mới về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; thủ tục phê duyệt liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; siết chặt quản lý liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; quy định mới về mức lãi suất; quy định mới về các hình thức tiền gửi rút trước hạn;...

Thủ tục phê duyệt liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ

Ngày 31/10/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 3278/QĐ-BGDĐT công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực giáo dục, đào tạo với nước ngoài thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong đó, trình tự thực hiện thủ tục phê duyệt liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ được quy định như sau:

Bước 1: Các bên liên kết nộp hồ sơ đến Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với hồ sơ liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ với nước ngoài (trừ trường hợp thuộc thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều 45 Luật Giáo dục đại học 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) và điểm e, khoản 1 Điều 13 Nghị định 99/2019/NĐ-CP).

Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc dịch vụ bưu chính hoặc thư điện tử cho các bên liên kết để sửa đổi, bổ sung hồ sơ đối với trường hợp hồ sơ không hợp lệ.

Bước 3: Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ tổ chức thẩm định và ban hành Quyết định phê duyệt liên kết đào tạo với nước ngoài.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Quy định mới về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục

Ngày 05/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 125/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Cụ thể, Nghị định này quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, bao gồm:

- Thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục, sáp nhập, chia, tách, giải thể đối với: Cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt.

- Thành lập hoặc cho phép thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể đối với: Cơ sở giáo dục thường xuyên, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.

- Thành lập hoặc cho phép thành lập trường cao đẳng sư phạm; cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng; đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng; sáp nhập, chia, tách, giải thể trường cao đẳng sư phạm; sáp nhập trường cao đẳng vào trường đại học.

- Thành lập hoặc cho phép thành lập trường đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học; cho phép trường đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học hoạt động đào tạo; đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học; sáp nhập, chia, tách cơ sở giáo dục đại học; giải thể cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học; công nhận đại học vùng, đại học quốc gia (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục đại học).

- Thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động, đình chỉ hoạt động, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam; công nhận tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

- Đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; đình chỉ kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.

Điều kiện đầu tư và hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam, phân hiệu cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Nghị định quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Siết chặt quản lý liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài

Ngày 05/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 124/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Hiện hành tại Điều 6 Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về đối tượng liên kết giáo dục như sau: Cơ sở giáo dục mầm non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục của Việt Nam và cơ sở giáo dục hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, khoản 4 Điều 1 Nghị định 124/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung quy định trên như sau:

- Đối tượng liên kết giáo dục

- Bên Việt Nam: Cơ sở giáo dục mầm non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục do nhà đầu tư trong nước đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động, được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

- Bên nước ngoài:

+ Cơ sở giáo dục được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, có thời gian hoạt động ít nhất 05 năm ở nước ngoài tính đến ngày nộp hồ sơ và không vi phạm pháp luật của nước sở tại trong thời gian hoạt động, có giảng dạy trực tiếp, có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục còn hiệu lực hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về giáo dục của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục;

+ Tổ chức cung cấp chương trình giáo dục được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, có thời gian hoạt động cung cấp chương trình giáo dục mầm non hoặc phổ thông ít nhất là 05 năm tính đến ngày nộp hồ sơ xin thực hiện liên kết giáo dục.

Thủ tục cho phép trường đại học hoạt động đào tạo

Ngày 31/10/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 3277/QĐ-BGDĐT công bố thủ tục hành chính mới; sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế; bị bãi bỏ thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong đó, trình tự thực hiện thủ tục cho phép trường đại học hoạt động đào tạo được quy định như sau:

- Trường đại học gửi 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 97 Nghị định 125/2024/NĐ-CP qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc bưu chính hoặc trực tiếp đến Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, nếu hồ sơ không hợp lệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho trường biết để sửa đổi, bổ sung.

- Đối với hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định thực tế các điều kiện cho phép hoạt động đào tạo của trường đại học.

- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có báo cáo thẩm định, nếu đủ điều kiện thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép trường đại học hoạt động đào tạo; nếu chưa đủ điều kiện thì bằng văn bản cho trường đại học và nêu rõ lý do.

Quyết định 3277/QĐ-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 20/11/2024.

Quy định mới về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân 

Ngày 01/11/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định 2411/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư 48/2024/TT-NHNN ngày 30/9/2024.

Theo đó, mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:

- Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm.

- Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,75%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,25%/năm.

Quyết định 2411/QĐ-NHNN có hiệu lực từ ngày 20/11/2024.

Mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại ngân hàng

Ngày 01/11/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định 2410/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư 46/2024/TT-NHNN ngày 30/9/2024.

Thông tư 46/2024/TT-NHNN quy định tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ không vượt quá mức lãi suất tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ đối với tiền gửi của tổ chức và tiền gửi của cá nhân.

Theo đó, Quyết định 2410/QĐ-NHNN nêu rõ, mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư 46/2024/TT-NHNN như sau:

- Mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0%/năm.

- Mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là 0%/năm.

Quyết định 2410/QĐ-NHNN năm 2024 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2024. Đối với lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh trước ngày Quyết định 2410/QĐ-NHNN năm 2024 có hiệu lực thi hành, được thực hiện cho đến hết thời hạn; trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, tổ chức, cá nhân không đến lĩnh tiền gửi, thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng lãi suất đối với tiền gửi theo quy định tại Quyết định 2410/QĐ-NHNN năm 2024.

Quy định lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ tại ngân hàng nước ngoài từ 20/11/2024

Ngày 30/9/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 46/2024/TT-NHNN quy định về quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ tại ngân hàng nước ngoài từ 20/11/2024 được quy định tại Điều 3 Thông tư 46/2024/TT-NHNN như sau:

Thứ nhất, tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ không vượt quá mức lãi suất tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ đối với:

- Tiền gửi của tổ chức.

- Tiền gửi của cá nhân.

Thứ hai, lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ quy định tại Thông tư 46/2024/TT-NHNN bao gồm các khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức, áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ và các phương thức trả lãi khác được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ.

Thứ ba, tổ chức tín dụng niêm yết công khai lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng và đăng tải trên trang thông tin điện tử (nếu có) của tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi không được thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật.

Như vậy, từ ngày 20/11/2024 thì việc áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ tại ngân hàng nước ngoài sẽ thực hiện theo quy định của Thông tư 46/2024/TT-NHNN.

Quy định mới về các hình thức tiền gửi rút trước hạn từ ngày 20/11/2024

Ngày 30/9/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 47/2024/TT-NHNN sửa đổi khoản 3 Điều 3 Thông tư 04/2022/TT-NHNN quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư 47/2024/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2024.

Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 04/2022/TT-NHNN, sửa đổi tại Thông tư 47/2024/TT-NHNN, từ ngày 20/11/2024 sẽ có 04 hình thức tiền gửi rút trước hạn, gồm:

- Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn.

- Tiền gửi có kỳ hạn.

- Chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng phát hành.

- Các hình thức nhận tiền gửi có kỳ hạn khác theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024.

Như vậy, từ ngày 20/11/2024, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành sẽ không còn là một trong những hình thức tiền gửi trước hạn nữa.

Quy định về lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại tổ chức tín dụng

Căn cứ Điều 3 Thông tư 48/2024/TT-NHNN thì lãi suất tiền gửi bằng VND tại tổ chức tín dụng từ ngày 20/11/2024 được quy định như sau:

- Tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức và cá nhân không vượt quá mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 tháng, tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ và đối với từng loại hình tổ chức tín dụng.

- Tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên của tổ chức và cá nhân trên cơ sở cung cầu vốn thị trường.

- Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam quy định tại Thông tư này bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức, áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ và các phương thức trả lãi khác được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ.

- Tổ chức tín dụng niêm yết công khai lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng và đăng tải trên trang thông tin điện tử (nếu có) của tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi không được thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật.

MINH HIỀN (t/h)

Các tin khác