/ Trợ giúp pháp lý
/ Nhiều điểm mới về kinh doanh bảo hiểm

Nhiều điểm mới về kinh doanh bảo hiểm

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Ngày 28/02/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 14/2022/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 50/2017/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm và Thông tư số 04/2021/TT-BTC quy định chi tiết Nghị định số 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Ảnh minh họa.

Có thể thay đổi thời hạn thanh toán phí bảo hiểm do dịch Covid-19

Theo đó, Thông tư 14/2022/TT-BTC đã bổ sung quy định vào Thông tư 50/2017/BTC hướng dẫn hoạt động kinh doanh bảo hiểm như sau.

Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận thay đổi thời hạn thanh toán phí bảo hiểm hoặc thỏa thuận nợ phí bảo hiểm (mà không cần tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán phí bảo hiểm) khi đáp ứng đủ 02 điều kiện:

­+ Bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm thuộc địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg hoặc trong khu vực bị cách ly y tế, phong tỏa ổ dịch để kiểm soát dịch bệnh theo văn bản của cấp có thẩm quyền hoặc thuộc địa phương được xác định là có cấp độ dịch nguy cơ rất cao, nguy cơ cao theo Nghị quyết 128/NQ-CP.

+ Bên mua bảo hiểm phát sinh nghĩa vụ thanh toán phí bảo hiểm trong khoảng thời gian từ 01/01/2021 cho đến khi Thủ tướng công bố hết dịch Covid-19. 

Trước đây, Thông tư 52/2017/TT-BTC không quy định về điều này.

Quy định mới hoàn toàn dựa trên tình hình xã hội thực tế khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán các hợp đồng bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm cần tận dụng quy định mới này để thỏa thuận với khách hàng về việc điều chỉnh thời hạn thanh toán phí bảo hiểm hoặc thỏa thuận cho phép khách hàng nợ phí bảo hiểm (không cần tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng.

Được thỏa thuận kéo dài thời hạn bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới do dịch bệnh

Ngoài việc bổ sung quy định vào Thông tư 50/2017/BT, Thông tư số 14/2022/TT-BTC cũng bổ sung một quy định mới vào Thông tư số 04/2021/TT-BTC quy định chi tiết Nghị định số 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Cụ thể, chủ xe cơ giới và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn bảo hiểm tương ứng thời gian xe cơ giới không tham gia giao thông, không hoạt động do chủ xe tại các địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc các khu vực bị cách ly y tế, phong tòa ổ dịch để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 theo văn bản của cấp có thẩm quyền hoặc địa phương được xác định cấp độ dịch là nguy cơ rất cao, nguy cơ cao theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP.

Tuy nhiên, việc thỏa thuận kéo dài thời hạn bảo hiểm phải đảm bảo phù hợp pháp luật kinh doanh bảo hiểm, pháp luật dân sự và quy định pháp luật có liên quan.

Trước đây, tại Thông tư 04/2021/TT-BTC không có quy định này. Bên cạnh đó, Thông tư 04/2021/TT-BTC cũng không quy định cụ thể về thời hạn bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, thông thường, thời hạn này là 01 năm.

Cho phép sử dụng số dư của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới các năm trước cho một số hoạt động chi

Bên cạnh những điểm mới trên, Thông tư số 14/2022/TT-BTC cũng bổ sung quy định tại Thông tư 04/2021/TT-BTC.

Theo đó, từ 01/3/2021 cho đến khi Thủ tướng công bố hết dịch Covid-19, Hội đồng Quản lý Quỹ có thể đề xuất Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam báo cáo Bộ Tài chính xem xét, cho phép sử dụng số dư Quỹ các năm trước cho các nội dung chi gồm:

- Chi hỗ trợ cho lực lượng Công an trong công tác phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới và các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong công tác đề phòng, hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận trong kinh doanh bảo hiểm và thực hiện quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

- Hỗ trợ khen thưởng thành tích cho các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, đề phòng hạn chế tổn thất, tai nạn giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

- Chi hoàn thiện, duy trì hoạt động cơ sở dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

- Chi cho hoạt động của Chương trình bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN và hoạt động của Cơ quan quốc gia Việt Nam thực hiện Nghị định thư số 5 về Chương trình bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN.

- Chi quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.

Mức chi tối đa của các hạng mục nội dung trên không vượt quá 01% tổng số phí bảo hiểm thực tế thu được của các hợp đồng bảo hiểm gốc trong năm tài chính trước liền kề để đóng vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới của doanh nghiệp bảo hiểm.

Trước đây, tại Thông tư 04/2021/TT-BTC không có quy định về nội dung này.

TRẦN VŨ

Bộ Tài chính chốt phương án giảm thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lít xăng

Lê Minh Hoàng