/ Thư viện pháp luật
/ Nhiều điểm mới tại Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi)

Nhiều điểm mới tại Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi)

25/06/2025 19:18 |13 ngày trước

(LSVN) - Hệ thống VKSND còn 03 cấp; Quy định mới về nhiệm kỳ của kiểm sát viên; Tăng số lượng kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao lên 27 người là những điểm mới đáng chú ý tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND 2014 vừa được Quốc hội thông qua ngày 24/6 (có hiệu lực từ 01/7).

Hệ thống VKSND còn 03 cấp

Theo đó, Điều 40 Luật Tổ chức VKSND về hệ thống VKSND được sửa đổi theo mô hình VKSND 03 cấp, bỏ VKSND cấp cao, quy định mới về VKSND khu vực.

Cụ thể, hệ thống VKSND từ 01/7/2025 gồm: VKSND Tối cao; VKSND tỉnh, thành phố (VKSND cấp tỉnh); VKSND khu vực và VKS quân sự các cấp.

Khi đó, VKSND Tối cao thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

VKSND cấp tỉnh thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong phạm vi địa phương mình. VKSND khu vực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Về cơ cấu tổ chức của VKSND khu vực (Điều 48) sẽ tổ chức bộ máy gồm có: Văn phòng và các phòng; những nơi chưa đủ điều kiện thành lập phòng thì có các bộ phận công tác và bộ máy giúp việc.

VKSND khu vực có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, kiểm sát viên, kiểm tra viên, công chức khác và người lao động khác.

Viện trưởng VKSND khu vực do Viện trưởng VKSND Tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

Viện trưởng VKSND khu vực có nhiệm vụ, quyền hạn chỉ đạo, điều hành, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác, quyết định các vấn đề về công tác của VKSND cấp mình và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Viện trưởng VKSND cấp tỉnh. Nhiệm kỳ của Viện trưởng VKSND khu vực là 5 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm.

Đáng chú ý, Viện trưởng VKSND Tối cao được bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức kiểm sát viên cao cấp, kiểm sát viên trung cấp, kiểm sát viên sơ cấp, điều tra viên các ngạch, kiểm tra viên các ngạch, cán bộ điều tra (bổ sung cán bộ điều tra).

Cũng theo Luật mới, VKSND Tối cao được kiến nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội giải thích nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quy định mới về nhiệm kỳ của kiểm sát viên

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức VKSND đã bổ sung Điều 76a về việc bổ nhiệm kiểm sát viên. Theo đó, bổ nhiệm kiểm sát viên lần đầu phải qua thi tuyển, trừ trường hợp bổ nhiệm kiểm sát viên trong trường hợp đặc biệt.

Việc bổ nhiệm kiểm sát viên vào ngạch cao hơn phải bảo đảm những nguyên tắc như thực hiện thông qua quy trình xét chọn; bảo đảm tiêu chuẩn bổ nhiệm của từng ngạch kiểm sát viên; bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan…

Việc xét chọn, thi tuyển, bổ nhiệm kiểm sát viên do Viện trưởng VKSND Tối cao quy định.

Về nhiệm kỳ của kiểm sát viên, luật mới quy định nhiệm kỳ của kiểm sát viên VKSND Tối cao được tính từ khi được bổ nhiệm đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Nhiệm kỳ của kiểm sát viên được bổ nhiệm lần đầu là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm (trừ trường hợp nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác).

kiểm sát viên được bổ nhiệm lại hoặc bổ nhiệm vào ngạch cao hơn có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác (Luật hiện hành quy định trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm).

Tăng số lượng kiểm sát viên VKSND Tối cao lên 27 người

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND, số lượng kiểm sát viên VKSND Tối cao không quá 27 người. Tổng biên chế của VKSND và VKS quân sự do Viện trưởng VKSND tối cao đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định.

Số lượng kiểm sát viên, cơ cấu tỉ lệ các ngạch kiểm sát viên tại mỗi cấp VKSND; số lượng, cơ cấu tỉ lệ các ngạch điều tra viên của VKSND Tối cao do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao sau khi có ý kiến của Chính phủ.

Số lượng kiểm sát viên, cơ cấu tỉ lệ các ngạch kiểm sát viên tại mỗi cấp VKS quân sự; số lượng, cơ cấu tỉ lệ các ngạch điều tra viên của VKS quân sự Trung ương do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Căn cứ vào tổng biên chế, số lượng kiểm sát viên được giao, cơ cấu tỉ lệ các ngạch kiểm sát viên tại mỗi cấp VKS, Viện trưởng VKSND Tối cao quyết định: phân bổ biên chế, số lượng kiểm sát viên của các VKSND; phân bổ biên chế, số lượng kiểm sát viên của các VKS quân sự sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.Theo Luật, việc bổ nhiệm kiểm sát viên lần đầu phải qua thi tuyển.

Việc bổ nhiệm kiểm sát viên vào ngạch cao hơn phải bảo đảm những nguyên tắc sau: Thực hiện thông qua quy trình xét chọn; bảo đảm tiêu chuẩn bổ nhiệm của từng ngạch kiểm sát viên; căn cứ vào số lượng, cơ cấu, tỉ lệ các ngạch kiểm sát viên tại mỗi cấp VKS được giao và các quy định khác của Luật này. Cùng với đó, bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan. Không được xét bổ nhiệm kiểm sát viên vào ngạch cao hơn đối với trường hợp đang trong thời hạn bị xử lý kỷ luật, trong thời gian bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

MINH QUÂN

Các tin khác