/ Thư viện pháp luật
/ Nhiều điểm mới trong hoạt động vệ sinh mai táng, hỏa táng đối với người chết do dịch bệnh nguy hiểm

Nhiều điểm mới trong hoạt động vệ sinh mai táng, hỏa táng đối với người chết do dịch bệnh nguy hiểm

10/01/2022 05:16 |

(LSVN) - Ngày 26/11/2021, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 21/2021/TT-BYT quy định về vệ sinh trong mai táng, hỏa táng. Trong đó, có nhiều nội dung mới được thay đổi so với Thông tư cũ.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, trước đây, theo Thông tư 02/2009/TT-BYT, việc vệ sinh trong mai táng, hỏa táng được quy định và áp dụng chung, không phân biệt nguyên nhân tử vong.

Tuy nhiên, theo quy định mới tại Điều 12, Thông tư 21/2021/TT-BYT, đối với người chết do dịch bệnh nguy hiểm, thân nhân người chết hoặc người phát hiện ra thi thể người chết do dịch bệnh nguy hiểm phải thông báo ngay cho UBND cấp xã nơi thi thể được phát hiện.

Người tham gia xử lý thi thể được tập huấn về các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý thi thể. Khi tham gia xử lý thi thể mang đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân (trang phục phòng hộ, kính che mắt, găng tay cao su, khẩu trang y tế, giầy hoặc ủng).

Bọc kín thi thể bằng túi đựng thi thể làm bằng vật liệu chống thấm, không trong suốt, chắc chắn, không bị bục, thủng, thành túi có độ dày ≥ 150µm; khóa kéo phải kín và cố định chắc chắn bằng dây buộc hoặc băng dính; khử khuẩn bên ngoài túi đựng thi thể bằng dung dịch chứa 0,1% Clo hoạt tính. Trường hợp không có túi đựng thi thể, bọc kín thi thể bằng 02 lớp vải, sau đó bọc kín thi thể bằng 02 lớp ni-lon; khử khuẩn bên ngoài lớp ni-lon thứ nhất bằng dung dịch chứa 0,1% Clo hoạt tính. Thực hiện tương tự với lớp ni-lon thứ hai.

Đồng thời, khử khuẩn toàn bộ các bề mặt khu vực có người chết và các vật dụng có tiếp xúc với thi thể bằng dung dịch chứa 0,1% Clo hoạt tính, cồn 70% hoặc các chế phẩm diệt khuẩn bề mặt; chất thải phát sinh trong quá trình xử lý thi thể được thu gom, xử lý như chất thải lây nhiễm.

Sau khi công việc kết thúc, người tham gia xử lý thi thể phải tháo, cởi bỏ các phương tiện bảo vệ cá nhân và thu gom, xử lý như chất thải lây nhiễm; rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay.

Đối với dịch bệnh nguy hiểm có yêu cầu về xử lý thi thể khác với quy định tại Điều này thì thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

Ngoài ra, việc vệ sinh trong mai táng, hỏa táng đối với người chết do dịch bệnh nguy hiểm cũng đã được quy định rõ tại Điều 16 Thông tư 21/2021/TT-BYT này.

Cụ thể, khi mai táng thi thể, tiến hành rắc một lớp vôi bột xung quanh thành và đáy huyệt trước khi đặt quan tài xuống huyệt. Trước khi lấp đất, rắc một lớp vôi bột ở xung quanh và trên mặt quan tài.

Sau khi mai táng, hỏa táng phải vệ sinh, khử khuẩn dụng cụ, thiết bị dùng để mai táng, vận chuyển thi thể đến lò hỏa táng, khu vực mai táng, hỏa táng bằng dung dịch chứa 0,1% Clo hoạt tính, cồn 70% hoặc các chế phẩm diệt khuẩn bề mặt.

Người trực tiếp tham gia hoạt động mai táng, hỏa táng sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân (kính che mắt, găng tay cao su, khẩu trang y tế, giầy hoặc ủng) trong suốt quá trình thực hiện công việc. Sau khi công việc kết thúc cởi bỏ phương tiện bảo vệ cá nhân, rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay.

Chất thải tiếp xúc trực tiếp với quan tài và phương tiện bảo vệ cá nhân được thu gom, xử lý như chất thải lây nhiễm.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10/01/2022.

VŨ QUÝ

Dữ liệu do cá nhân, tổ chức cung cấp được sử dụng làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính

Admin