Nhằm thể chế đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật, ngày 19/2/2025, Quốc hội khoá XV tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật này gồm 9 chương và 72 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2025.

Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025. Ảnh: VGP.
Về những điểm mới của Luật, Bộ Tư pháp (đơn vị chủ trì soạn thảo luật) cho biết, với việc giảm đáng kể số lượng chương, điều so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, đã thể chế hóa Kết luận số 119-KL/TW về việc "nghiên cứu, sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng chỉ quy định cụ thể trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội", bảo đảm rút ngắn thời gian, nhưng vẫn nâng cao "năng suất", kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, bảo đảm chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời bổ sung nội dung về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Luật đã xác định lại thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của một số chủ thể theo Hiến pháp năm 2013; bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã; bổ sung 1 hình thức văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành là nghị quyết để giải quyết các vấn đề cấp bách, quan trọng phát sinh từ thực tiễn.Bên cạnh đó, Luật đã đổi mới mạnh mẽ việc lập Chương trình lập pháp hằng năm với tính chất linh hoạt cao, quy trình chính sách được thực hiện độc lập với việc lập Chương trình lập pháp hằng năm; bổ sung hình thức lấy ý kiến là tham vấn chính sách trong quá trình xây dựng chính sách dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; quy định cơ quan trình chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, chịu trách nhiệm cho đến khi dự án được thông qua hoặc ký ban hành...
Bổ sung quy định tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật là điểm mới của Luật, nhằm khắc phục nguyên nhân văn bản quy phạm pháp luật chưa xác định rõ các hoạt động nào thuộc về tổ chức thi hành pháp luật và quy định trách nhiệm nghĩa vụ thực hiện cho các chủ thể; do đó, dẫn đến việc thực hiện công tác tổ chức thi hành pháp luật chưa đạt hiệu quả, thực chất. Việc tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định những nội dung cơ bản để cơ quan, người có thẩm quyền tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành; trách nhiệm tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật và báo cáo hoặc cung cấp thông tin về tổ chức thi hành.
Về bổ sung quy định hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, Luật nêu rõ, cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật xem xét, hướng dẫn áp dụng đối với văn bản do mình ban hành bằng văn bản hành chính, trên cơ sở đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra, Luật năm 2025 cũng có những nội dung mới về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong quá trình xây dựng, tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật; ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong xây dựng văn bản; nguồn lực bảo đảm cho công tác xây dựng, tổ chức thi hành...