Theo thông tin từ Bộ Công an, dự thảo Luật Dữ liệu gồm 7 chương, 67 điều. Luật này quy định về nguyên tắc xử lý và bảo vệ dữ liệu; nội dung quản lý nhà nước về dữ liệu; người làm công tác dữ liệu trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; hợp tác quốc tế về dữ liệu; các hành vi bị nghiêm cấm; nguyên tắc xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia…
Theo dự thảo, các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:
- Lợi dụng việc xử lý dữ liệu, quản trị dữ liệu xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình xử lý dữ liệu, quản trị dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ xử lý dữ liệu;
- Thu thập, cung cấp, sử dụng, truy cập, tiết lộ, hiển thị, phát tán, chia sẻ trái pháp luật dữ liệu;
- Giả mạo, làm sai lệch hoặc xóa, hủy, sao chép, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ dữ liệu;
- Gian lận, chiếm đoạt hoặc sử dụng dữ liệu trái pháp luật;
- Cố ý cung cấp thông tin sai lệch hoặc không cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật;
- Kinh doanh, mua bán, trao đổi dữ liệu trái pháp luật;
- Phát triển, kinh doanh, lưu hành sản phẩm, dịch vụ dữ liệu xâm phạm an ninh, quốc phòng, quyền riêng tư của cá nhân, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Cũng theo dự thảo Luật Dữ liệu, dữ liệu sẽ được phân loại theo 5 nhóm. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội thiết lập hệ thống phân loại dữ liệu dựa trên yêu cầu quản lý, xử lý, bảo vệ dữ liệu, bao gồm nhưng không giới hạn theo các nhóm phân loại sau:
- Phân loại theo tính chất chia sẻ dữ liệu gồm: Dữ liệu dùng chung, dữ liệu dùng riêng, dữ liệu mở;
- Phân loại theo đối tượng phản ánh của dữ liệu gồm: Dữ liệu cá nhân, dữ liệu phi cá nhân;
- Phân loại theo cách thức tạo lập dữ liệu gồm: Dữ liệu gốc, dữ liệu tổng hợp;
- Phân loại theo tính chất quan trọng của nội dung dữ liệu, mức độ nguy hại nếu bị thay đổi, phá hủy, rò rỉ, giả mạo, sử dụng hoặc chia sẻ trái phép, gồm: Dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng, dữ liệu khác;
- Phân loại dữ liệu theo lĩnh vực.
Ngoài ra, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành danh mục dữ liệu quan trọng, dữ liệu thuộc lĩnh vực quản lý. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dữ liệu cốt lõi, trừ dữ liệu do Bộ Quốc phòng quản lý. Khuyến kích tổ chức, cá nhân áp dụng việc phân loại dữ liệu như trên.